Những năm qua, tại nhiều địa phương, việc phát triển rừng bền vững đi đôi với khai thác hợp lý gỗ rừng trồng đã góp phần đẩy mạnh đa dạng sản phẩm gỗ để xuất khẩu. Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá gỗ nguyên liệu xuống thấp do nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng, đòi hỏi cần có giải pháp kịp thời để tìm đầu ra ổn định cho gỗ và góp phần tháo gỡ khó khăn cho người trồng rừng…
Một cơ sở chế biến gỗ tại xã Bảo Ái, huyện Yên Bình (Yên Bái) dừng hoạt động do không bán được nguyên liệu.
Sau nhiều năm liên tục tăng trưởng nhanh, 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm tới hơn 30% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là một khó khăn lớn không chỉ của các doanh nghiệp gỗ mà còn của cả các tổ chức, cá nhân trồng rừng sản xuất. Gỗ rừng trồng trong nước hiện đã cung ứng được hơn 70% nhu cầu sử dụng nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất và chế biến gỗ.
Lao đao vì giá thấp
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết năm 2022, toàn quốc có 14.790.075ha rừng; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02%, trong đó, diện tích rừng tự nhiên là 10.134.082ha và 4.655.993ha rừng trồng.
Rừng trồng được phân bố nhiều nhất ở khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung (1.828.006ha), tiếp đến là khu vực trung du và miền núi phía bắc (1.651.875ha). Diện tích rừng trồng sản xuất tại nhiều địa phương hiện nay đã cho khai thác mang lại giá trị kinh tế, góp phần nâng cao đời sống của người dân sống bằng nghề rừng.
Xã Bảo Ái, huyện Yên Bình (Yên Bái) có diện tích đất rừng hơn 2.000ha, người dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề trồng rừng, trong đó, rừng trồng phần lớn là các cây keo, bồ đề với chu kỳ khoảng 6 năm thì cho khai thác.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bảo Ái, Nguyễn Minh Tiến cho biết: "Đến tháng 6/2023, cả 10 cơ sở chế biến gỗ rừng trồng của xã đều hoạt động cầm chừng, thậm chí dừng máy, khiến hàng trăm lao động tại các cơ sở này đều chuyển sang ngành nghề khác hoặc đi lao động tại các tỉnh bạn. Đến tháng 6/2023, cả 10 cơ sở chế biến gỗ rừng trồng của xã đều hoạt động cầm chừng, thậm chí dừng máy, khiến hàng trăm lao động tại các cơ sở này đều chuyển sang ngành nghề khác hoặc đi lao động tại các tỉnh bạn".
Do chỉ chế biến gỗ bóc, băm gỗ dăm (làm nguyên liệu giấy hoặc làm viên nén), khi không có đầu ra thì lượng tồn ván gỗ bóc ở địa phương khá lớn. Điển hình như hộ Nguyễn Thị Thúy đang tồn 200m3 gỗ ép và gỗ bóc, hộ Nông Văn Viện còn tồn gần 100m3 gỗ ván bóc.
Anh Lưu Văn Tuất, thôn Tân Lập, xã Bảo Ái là hộ vừa sản xuất và kinh doanh thu mua gỗ rừng trồng, ngán ngẩm cho hay, trước đây kinh tế thuận lợi, doanh thu hằng năm đạt hơn 10 tỷ đồng, nhưng hiện nay thì cơ sở còn nợ các chủ rừng và cơ sở ván gỗ bóc hơn 10 tỷ đồng tiền nguyên liệu.
Trong khi đó, tiền bán hàng còn nợ đọng gần 6 tỷ đồng, hàng tồn kho nhiều, các máy móc dừng hoạt động, tiền lãi vay ngân hàng vẫn phải trả đều, nên rất khó khăn. Huyện Yên Bình có 328 cơ sở chế biến gỗ rừng trồng, giá trị sản lượng sản xuất năm 2022 đạt 2.778,5 tỷ đồng. Do khó khăn trong khâu tiêu thụ, cho nên 3 tháng đầu năm 2023, giá trị sản lượng chỉ đạt 302,4 tỷ đồng.
Nguyên nhân dẫn đến yếu kém là do doanh nghiệp quy mô nhỏ, vốn và lao động ít, thiếu thông tin về thị trường tiêu thụ sản phẩm, việc xây dựng thương hiệu sản phẩm chưa được quan tâm, chi phí vận chuyển cao, đầu ra cho sản phẩm chế biến gỗ khó khăn, cho nên hàng loạt cơ sở chế biến phải dừng hoạt động.
Theo báo cáo nhanh của ngành chức năng, tại các huyện Lục Yên, Văn Yên đến hết tháng 5/2023, đã có 132 cơ sở chế biến gỗ rừng trồng không còn hoạt động do không bán được hàng. Giá thu mua gỗ rừng trồng hiện cũng giảm tương ứng 1/3 so với giá lúc cao điểm, nông dân trồng rừng điêu đứng vì giá xuống thấp.
Cũng như Yên Bái, những năm gần đây, kinh tế lâm nghiệp của tỉnh Tuyên Quang có bước phát triển nổi bật, thế mạnh ngành lâm nghiệp từng bước được phát huy. Tỉnh đã hình thành vùng nguyên liệu rừng trồng hơn 190.000ha với trữ lượng gỗ nguyên liệu khoảng 2 triệu m3/năm, sản lượng khai thác hằng năm hơn 900.000m3/năm, đứng tốp đầu trong cả nước về sản lượng khai thác.
Hằng năm, tỉnh trồng mới được hơn 11.000ha; thực hiện công thức "trồng 2, khai thác 1” cho nên tỷ lệ che phủ rừng luôn duy trì hơn 65%.
Đến nay, tỉnh đã thu hút được các nhà đầu tư, liên kết xây dựng các nhà máy chế biến, tạo ra nhiều sản phẩm từ gỗ rừng trồng như: giấy, bột giấy, đồ gỗ nội thất cao cấp, ván công nghiệp, viên nén năng lượng phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu sang Nhật Bản, châu Âu, Mỹ.
Ngành lâm nghiệp tăng trưởng bình quân đạt 8%/năm, tạo việc làm cho gần 40.000 lao động góp phần duy trì hệ sinh thái bền vững, phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhất là lụt bão, hạn hán, sạt lở đất.
Tuy vậy, thời gian gần đây, các hộ trồng rừng trong tỉnh cũng đang gặp rất nhiều khó khăn do giá nguyên liệu gỗ giảm sâu, thậm chí nhiều loại nguyên liệu gỗ không bán được do nhu cầu thị trường giảm.
Nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ không thu mua nguyên liệu, dẫn đến các cơ sở sản xuất không bán được hàng, bị tồn kho, nợ đọng đã tác động trực tiếp đến các hộ dân trồng rừng sản xuất. Bài toán này nếu không có lời giải sớm sẽ khiến người trồng rừng lao đao, thậm chí không có thu nhập trong thời gian dài do không bán được nguyên liệu gỗ rừng trồng.
Đầu tư để phát triển ổn định
Theo các chuyên gia phân tích của Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST), hiện đã có sự thay đổi rất lớn trong cung ứng nguyên liệu và chế biến các sản phẩm gỗ.
Những năm trước, dịch Covid-19 và xung đột quân sự giữa một số quốc gia đã gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu. Nhiều thị trường do khan hiếm năng lượng đã tích trữ chất đốt nguyên liệu dăm gỗ, viên nén gỗ truyền thống khiến nhiều cơ sở trồng rừng khai thác rừng non, trồng rừng mới với những cây trồng ngắn ngày phục vụ nhanh nhu cầu của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2022 đến nay, nhu cầu nêu trên tại các thị trường nhập khẩu đã giảm mạnh do nguồn cung nhiên liệu từ khí ga, xăng dầu ổn định trở lại, làm cho người trồng rừng nguyên liệu không thể thay đổi kịp.
Hơn nữa, do nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm gỗ của những thị trường lớn, truyền thống như Mỹ, EU… giảm mạnh đã kéo theo hệ lụy làm cho các doanh nghiệp gỗ có ít hoặc không có đơn hàng, từ đó làm đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu gỗ, tác động trực tiếp đến các tổ chức, cá nhân trồng rừng sản xuất.
Mặt khác, mặc dù có mức xuất khẩu gỗ thuộc các nước đứng đầu thế giới nhưng hầu hết các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ của nước ta còn lạc hậu, năng suất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm chưa cao cũng đang là những nguyên nhân trực tiếp, "góp phần” khiến cho việc tiêu thụ nguyên liệu gỗ rừng trồng gặp nhiều khó khăn.
Tỉnh Yên Bái hằng năm có thể khai thác hơn 200.000m3 gỗ các loại và khoảng 150.000m3 lâm sản ngoài gỗ. Đây là nguồn nguyên liệu quan trọng cho gần 1.000 cơ sở chế biến gỗ của tỉnh.
Tuy nhiên, hầu hết các đơn vị chế biến gỗ ở Yên Bái là những cơ sở sản xuất nhỏ, sử dụng công nghệ chế biến đơn giản, chủ yếu là các máy xẻ, máy bóc trong sản xuất, chế biến gỗ. Một số ít doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư máy ép ván, ghép thanh… nhưng do nguồn vốn ít cho nên việc đầu tư cũng mới chỉ là những dây chuyền sản xuất chất lượng thấp.
Công nghệ chế biến chưa hoàn thiện, sản phẩm làm ra cơ bản ở dạng nguyên liệu, hiệu quả kinh tế không cao. Nhằm đẩy mạnh chế biến nông sản, năm 2022 tỉnh Yên Bái đã thu hút 5 dự án đầu tư trong lĩnh vực chế biến nông, lâm sản công nghệ cao, với vốn đăng ký gần 347 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do xuất khẩu gỗ giảm sút, nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ phải hoạt động cầm chừng hoặc dừng hoạt động. Tỉnh Tuyên Quang có 29 dự án chế biến lâm sản, trong đó 24 dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động, 5 dự án đang chuẩn bị các thủ tục để đầu tư xây dựng.
Nhìn chung ngành chế biến lâm sản phong phú, đa dạng các sản phẩm, tuy nhiên chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của tỉnh. Sản phẩm sản xuất tập trung chủ yếu vào bán thành phẩm, chưa có sản phẩm giá trị cao.
Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang cho biết, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, toàn tỉnh tập trung phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững đi đôi với phát triển vùng nguyên liệu; ưu tiên chế biến lâm sản nhất là chế biến sản phẩm xuất khẩu, thúc đẩy liên kết giữa sản xuất nguyên liệu, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, toàn tỉnh tập trung phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững đi đôi với phát triển vùng nguyên liệu; ưu tiên chế biến lâm sản nhất là chế biến sản phẩm xuất khẩu, thúc đẩy liên kết giữa sản xuất nguyên liệu, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Phấn đấu đưa Tuyên Quang trở thành một tỉnh điển hình về phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững và là trung tâm sản xuất và chế biến gỗ của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.
Theo Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị, năm 2022 là năm khó khăn với ngành gỗ do giá nguyên liệu giảm. Năm 2023, toàn ngành lâm nghiệp nỗ lực vượt qua khó khăn để ổn định sản xuất, kinh doanh.
Tình hình thị trường quốc tế đang có nhiều biến động, đòi hỏi các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất nguyên liệu gỗ cần phải chủ động hội nhập, liên kết sản xuất, kinh doanh, đầu tư thiết bị công nghệ để nâng cao sản phẩm cạnh tranh, đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong tình hình mới… Ngành lâm nghiệp xác định mục tiêu đến năm 2030 cả nước trồng rừng sản xuất đạt 450.000ha/năm.
(Theo NDO)
Nguồn: Báo Yên Bái
CHI CỤC KIỂM LÂM VÙNG 1
Địa chỉ: Phường Hà Khẩu - TP Hạ Long - Quảng Ninh
Đường dây nóng: 0981197119 - Điện thoại:0203.3846768 - Email: kiemlamvung1@gmail.com
Thiết kế website TECH14 Tech14.vn