Bài 3: Thí điểm thị trường tín chỉ các bon rừng – Tránh bỏ lỡ cơ hội

          Cụ thể hóa các cam kết tại Hội nghị COP 26, Chính phủ đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon. Theo đó, sẽ thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các-bon kể từ năm 2025, tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức trong năm 2028.

          Có tỷ lệ che phủ rừng trên 65%, Tuyên Quang và các địa phương TOP đầu cả nước về rừng đã có những khách hàng đến đặt vấn đề ứng trước làm dự án và mua tín chỉ carbon rừng. Nếu được cho phép vận hành thí điểm việc giao dịch tín chỉ carbon, sẽ sớm có nguồn lực đầu tư phát triển và quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng carbon rừng đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng xanh của cả nước. Hơn thế, không bị lỡ cơ hội đi trước trong cuộc đua Netzerro với toàn cầu.
 

          THỊ trường carbon đã được cộng đồng quốc tế thúc đẩy như là một trong những cơ chế tài chính hiệu quả để giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng, bảo vệ rừng.

          Sau khi Việt Nam cam kết đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050 tại Hội nghị COP26, Chính phủ đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon; trong đó có nội dung về tổ chức và phát triển thị trường các bon trong nước.

           Theo đó, sẽ thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025. Thông qua thị trường carbon, rừng có thể mang lại một nguồn lực tài chính đáng kể phục vụ công tác quản lý, bảo vệ cũng như nâng cao thu nhập cho các cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng.

 
Quần thể rừng tự nhiên của huyện Na Hang - Lâm Bình.

          Trên thế giới nói chung và tại châu Á nói riêng, một loạt các sàn giao dịch tín chỉ carbon đã được thành lập và đưa vào vận hành trong năm 2023 này. Cho thấy, tiềm năng phát triển rất lớn của thị trường tín chỉ các bon trong tương lai.

          Phát triển rừng sẽ tạo ra bể chứa các bon khổng lồ. Bán tín chỉ các bon sẽ tạo nguồn lực tài chính để đầu tư lại cho việc phát triển rừng, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững khác. Đây chính là biểu hiện sinh động của kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh mà Việt Nam và các quốc gia trên thế giới đang theo đuổi để thực hiện cam kết về đầu tư bảo vệ và phục hồi rừng theo Tuyên bố Glasgow.

          Tại COP 26, Việt Nam đã cùng 140 quốc gia sở hữu 85% diện tích rừng trên thế giới thông qua đóng góp 19 tỷ USD vào quỹ công - tư để đầu tư bảo vệ và phục hồi rừng, 12 quốc gia phát triển cam kết đóng góp 12 tỷ USD quỹ công trong giai đoạn 2021-2025 để hỗ trợ các nước đang phát triển, bao gồm những nỗ lực khôi phục đất đai bị suy thoái và ứng phó với cháy rừng. Đây là khoản tài chính lớn rất dễ bị chìm xuồng nếu các cam kết không được nỗ lực thực hiện. Và thị trường các bon chính là một trong những hướng đi để đáp ứng việc này.

          Chia sẻ tại Hội thảo NET ZERO - Chuyển dịch xanh: Cơ hội nào cho người dẫn đầu? do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức tháng 6/2023, ông Marc S. Forni - Chuyên gia Phụ trách Quản lý Rủi ro Thảm họa, Ngân hàng Thế giới cho biết, giá trị của thị trường carbon hiện tại lên tới 52 tỷ USD và Việt Nam là một trong nhiều quốc gia trên thế giới triển khai chương trình mua bán tín chỉ carbon.

          Tại Việt Nam hiện nay một số doanh nghiệp đã bán tín chỉ carbon ra thị trường quốc tế với giá 6 - 10 USD/tín chỉ. Ở chiều ngược lại, cũng đã có doanh nghiệp phải mua với giá khoảng 7 USD/tín chỉ. 

          Ở thị trường Châu Âu, giá tín chỉ carbon còn cao hơn rất nhiều và tăng mạnh trong vòng hơn 2 năm qua. 
 
Biểu đồ giá tín chỉ carbon giai đoạn 2019 -2023 (theo số liệu từ trang Investing.com.)
 
 
          NGHỊ quyết số 36-NQ/TƯ ngày 26/6/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang về phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2030 và Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2035 có mục tiêu xuyên suốt là: Bảo vệ đi đôi với phát triển, sử dụng rừng; nâng cao năng suất, chất lượng của từng loại rừng; khai thác bền vững các giá trị của rừng để phát triển kinh tế - xã hội - môi trường.
 
 
Đoàn công tác của Ban chỉ đạo  Trung ương thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường
sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng thăm các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lâm sản.

          Trong đó, dự kiến đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành có liên quan cho chủ trương xây dựng Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng từ giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng carbon rừng (REDD+) tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2030.

          Dự án do Công ty VNEEC làm việc với tỉnh Tuyên Quang từ năm 2021 đã đưa ra các kịch bản  cụ thể về tín chỉ các bon của tỉnh. Trong đó có kịch bản nếu được phép thực hiện dự án tín chỉ các-bon đối với diện tích rừng chuyển hóa thành gỗ lớn theo kế hoạch (89.000 ha), tổng lượng tín chỉ nhận được (giai đoạn 2025 đến 2030) dự kiến trên 1,5 triệu tCO2, đơn giá 8 USD/tín chỉ sẽ thu được trên 12 triệu USD.  Mức giá này cao hơn mức giá 5 USD/tín chỉ đang áp dụng của dự án REDD+ cho 6 tỉnh Bắc Trung Bộ. Ngoài ra còn có gần 24.000 USD thu từ tín chỉ rừng trồng mới và trên 4 triệu USD thu từ tín chỉ đối với 30.000 ha rừng FSC (giai đoạn 2025-2030).
 
 
Nhiều diện tích rừng trồng được chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn để gia tăng lượng tích trữ carbon.

          Tại huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế), Công ty VNEEC cũng đã tính toán  khối lượng carbon tích lũy trong các loại rừng khoảng 4.230 nghìn tín chỉ. Hàng năm mỗi ha rừng có thể hấp thụ từ 0,5 đến 1 tấn CO2. Với tổng diện tích đất có rừng là 96.323,28 ha, mỗi năm huyện có thêm khoảng 96.323 tín chỉ CO2 được bổ sung thêm vào tổng số tín chỉ carbon mà các trạng thái rừng hấp thụ được. Vì thế, lợi ích từ bán tín chỉ carbon luôn tăng trưởng qua các năm, tạo cơ hội cho các hoạt động trồng rừng và tái trồng rừng ngày càng phát triển hơn.

          Những số liệu này cho thấy, các tỉnh có độ che phủ lớn về rừng nếu không được áp dụng thí điểm thị trường cac bon từ bây giờ, sẽ bị bỏ phí nhiều tín chỉ các bon rừng của hiện tại và cả những năm trước. Đồng nghĩa với việc "vứt tiền qua cửa sổ " - bỏ phí nguồn tài chính đầy tiềm năng trong khi đang rất cần vốn để phát triển. Hơn nữa, phần lớn diện tích rừng lại nằm ở những vùng xa xôi nghèo nàn, ít cơ hội tiếp cận vốn phát triển, thì chậm tiếp cận nguồn vốn từ giao dịch tín chỉ các bon là đã bỏ lỡ cơ hội quý giá để tạo thêm thu nhập, hỗ trợ các hoạt động bảo vệ và nâng cao chất lượng rừng.
 
 

          Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, TOP đầu về rừng của cả nước hiện nay gồm 7 tỉnh, trong đó có Tuyên Quang, với độ che phủ rừng trên 65%.

          Là những bể chứa các bon khổng lồ, các  tỉnh TOP này nếu được giao dịch tín chỉ các bon từ bây giờ sẽ huy động được nguồn ngoại tệ đáng kể giúp đầu tư hạn chế mất rừng, suy thoái rừng và quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng carbon rừng (REDD+), sẵn sàng gia nhập thị trường các bon chính thức khi các điều khoản của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Chính phủ Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon có hiệu lực.
 
 
Rừng tự nhiên ở Tuyên Quang được bảo vệ tốt, trở thành "lá chắn" cho địa phương khỏi thiên tai và tiềm tàng lượng tín chỉ carbon khổng lồ.

          Ngày 11/7 vừa qua, trả lời Công ty Quản lý Đầu tư Hàn Quốc (Quỹ VFCC) về việc thực hiện Quỹ dự án carbon rừng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Thế Giang đã đề nghị VFCC quan tâm hợp tác với tỉnh để thực hiện Quỹ dự án carbon rừng sau khi Chính phủ đã ban hành các văn bản pháp lý theo quy định.

          Tham luận tại Hội thảo chia sẻ thông tin về triển khai sáng kiến Liên minh giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính lâm nghiệp  ngày 27/9/2023 vừa qua, đại diện tỉnh Bình Thuận cho rằng, việc tham gia mua bán giảm phát thải thông qua tín chỉ carbon sẽ mang lại nguồn kinh phí quan trọng cho tỉnh để tiếp tục đầu tư vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; góp phần nâng cao đời sống và sinh kế cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, các hộ sống trong và ven rừng nói chung; chia sẻ, giảm áp lực kinh phí đầu tư của địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

          Nói về vấn đề này Giám đốc Sở TN-MT Đồng Nai Đặng Minh Đức chia sẻ, Đồng Nai có diện tích rừng lớn, việc tạo ra tín chỉ carbon để bán là tiềm năng to lớn để tái đầu tư cho rừng, cải thiện sinh kế cho người trồng rừng, đồng thời giúp cân bằng lượng khí thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp và đô thị hóa. Tỉnh đang chờ nghị định của Chính phủ để xây dựng đề án xác định khối lượng giá trị carbon của từng khu rừng và toàn tỉnh, xin cơ chế tham gia thị trường trao đổi, mua bán carbon.

 

          ĐỂ xây dựng thị trường tín chỉ các bon rừng theo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Chính phủ, Tuyên Quang đã đề ra và đang thực hiện 3 nhóm giải pháp về kỹ thuật, tài chính và cơ chế, thị trường.

          Về kỹ thuật, tỉnh tiếp tục quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt trên 223 nghìn ha rừng tự nhiên hiện có, hoàn thành việc giao đất, giao rừng cho tổ chức, cá nhân để 100% diện tích rừng có chủ; phát huy hiệu quả chính sách của nhà nước và của tỉnh đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, người Kinh nghèo sống gần rừng.
 
 
Cánh rừng ở Đèo Trám, xã Tiến Bộ (Yên Sơn).

          Nâng cao chất lượng rừng trồng bằng các giống chất lượng cao, kháng bệnh, biện pháp thâm canh tiên tiến để tăng nhanh sinh khối, rút ngắn chu kỳ kinh doanh đồng thời tăng diện tích rừng gỗ lớn, rừng trồng cây bản địa, phương thức trồng hỗn giao để tăng giá trị bảo vệ môi trường và phát huy giá trị của rừng kinh doanh gỗ lớn. Mở rộng, duy trì diện tích rừng đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững trên 90.000 ha rừng sản xuất.

          Về tài chính, tỉnh phối hợp với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà tài trợ; mời gọi hỗ trợ; lồng ghép các nguồn lực Trung ương, tỉnh; xã hội hóa và các nguồn lực khác trong hợp tác phát triển các dự án tín chỉ carbon rừng trên địa bàn tỉnh để tham gia thị trường carbon trong nước và quốc tế.
 
 
Lãnh đạo UBND tỉnh làm việc với Công ty New Forests (Autralia) về phát triển lâm nghiệp bền vững
 
          Về cơ chế, thị trường, tỉnh xin chủ trương, lập đề án, kế hoạch, phê duyệt và thực hiện; xây dựng đề án và kế hoạch hành động đồng thời thực hiện thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng từ giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng carbon rừng (REDD+) trên địa bàn tỉnh; đánh giá và sau đó nhân rộng.
 
 
          GS.TS. Bảo Huy, Học giả tại Đại học Bang Oregon (OSU), Hoa Kỳ và là thành viên danh dự của Trung tâm vì Con Người và Rừng (RECOFTC), tư vấn viên độc lập về Quản lý tài nguyên và môi trường rừng cho rằng, cần xem xét khả năng phân cấp đến địa phương, đồng thời hỗ trợ cho chủ rừng, địa phương tiếp cận được các thị trường các bon rừng quốc tế để rút ngắn thời gian và đa dạng hóa thị trường các bon rừng; nhằm sớm mang lại nguồn lực tài chính cho người quản lý bảo vệ và phát triển rừng.
 
 
          Nhiều chuyên gia khác cũng cho rằng các giao dịch tự nguyện cần được bảo vệ và khuyến khích bởi Thỏa thuận Paris nhằm tạo ra một thị trường toàn cầu. Không nên tìm cách hạn chế các giao dịch tự nguyện mà nên khuyến khích để tạo nguồn thu ngoại tệ cho đất nước, tạo cơ hội cho doanh nghiệp, cũng như tạo một "thao trường" cho các doanh nghiệp của Việt Nam được cọ xát, rèn luyện với môi trường và tiêu chuẩn quốc tế. Mặt khác, vẫn còn những doanh nghiệp và cơ quan chức năng có tâm lý chưa cần quan tâm đến thị trường tín chỉ các bon, nên bỏ lỡ các cơ hội nhìn xa cho vài chục năm sau để đảm bảo một tương lai bền vững.
 
 
Các đại biểu tại Hội thảo về phát triển thị trường carbon - Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý chính sách cho Việt Nam, ngày 23-11-2023.

          Hội thảo "kinh nghiệm quốc tế về phát triển thị trường carbon và hàm ý chính sách với Việt Nam” do Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và OECD đồng tổ chức ngày 23/11 vừa qua với sự tham dự của các chuyên gia cao cấp của OECD và quốc tế cũng đã tập trung thảo luận phân tích những khía cạnh đa chiều trong phát triển thị trường carbon, đề xuất các cơ chế hợp tác về tín chỉ carbon, thúc đẩy xây dựng các dự án thí điểm về trao đổi carbon. Trong đó, có việc đề xuất các cơ chế hợp tác về tín chỉ carbon, thúc đẩy xây dựng các dự án thí điểm về trao đổi carbon.

          Phát biểu đề dẫn hội thảo Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh: “Giờ là thời điểm then chốt để Việt Nam đa dạng hóa các công cụ phát triển xanh. Trong đó thị trường carbon là công cụ quan trọng để Việt Nam phát triển tốt hơn trong chuỗi giá trị xanh toàn cầu.

          Như vậy, các chuyên gia đều cho rằng cần sớm tiếp cận thị trường tín chỉ các bon, trong đó có các bon rừng. Về giải pháp, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, cần nhận diện những khoảng trống về pháp lý, để tích cực đề xuất sửa đổi, bổ sung các thể chế, chính sách tương ứng, phù hợp.
Mặt khác, cần chú trọng đào tạo cán bộ, học tập kinh nghiệm, tiếp cận nâng cao năng lực trong việc sẵn sàng tham gia thị trường mua bán phát thải CO2 cho người làm nghề rừng, nhà quản lý, cán bộ và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; kết nối, tranh thủ sự giúp đỡ để địa phương có thể tham gia thực hiện các dự án hợp tác quốc tế, trong nước về bán tín chỉ carbon rừng.
          Trong cách vận hành của đoàn tàu, khi đường ray tốt và các toa tàu đầu tiên đủ khỏe, các toa còn lại sẽ chạy trơn tru. Tựa như vậy, trong chặng đường đến sàn giao dịch chính thức tín chỉ các bon, nếu Tuyên Quang và các tỉnh TOP đầu về rừng sớm được thực hiện thí điểm giao dịch tín chỉ các bon rừng, sẽ có đường ray để các toa tàu đầu tiên có nguồn lực và kinh nghiệm đủ mạnh, kéo các địa phương còn lại cùng bon bon trên hành trình bảo vệ và phát triển rừng, chống biến đổi khí hậu. 
Và như vậy, rừng Tuyên Quang, rừng Việt Nam sẽ sớm có "tấm vé thông hành" tiếp cận nguồn lực lớn để thực hiện nền kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh; góp phần thực hiện mục tiêu NetZero vào năm 2050 như cam kết của Việt Nam với thế giới. 

                        Thực Hiện: Hà Linh – Trần Liên – Đoàn Thư

                             Trình bầy: Thanh Thủy

                                    Nguồn: Báo Tuyên Quang

 

 
 

Nhà khách Kiểm Lâm

Liên kết - Quảng cáo

Thống kê Website

Đang truy cập 1
Hôm nay 712
Tháng hiện tại 22335
Tổng lượt truy cập: 1953054
Địa chỉ IP của bạn: 3.149.231.122

CHI CỤC KIỂM LÂM VÙNG 1

Địa chỉ: Phường Hà Khẩu - TP Hạ Long - Quảng Ninh

Đường dây nóng: 0981197119 - Điện thoại:0203.3846768 - Email: kiemlamvung1@gmail.com

Thiết kế website TECH14 Tech14.vn