Tuyên truyền bảo vệ và phát triển rừng

1.Vai trò tác dụng của rừng:

Tục ngữ dân gian có câu: ”Rừng vàng, biển bạc”.

 Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh  đã nói: “ Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý”.

Vâng! Quả đúng như vậy:

Rừng là cái nôi của sự sống, là mái nhà chung, là nguồn sống của muôn loài. Rừng là hệ sinh thái hoàn hảo, bao gồm thực vật rừng, động vật rừng, vi sinh vật và các yếu tố môi trường khác, trong đó cây gỗ và tre nứa có độ tán che từ 10% trở lên.

 Mỗi cây rừng là 1 nhà máy tổng hợp chất hữu cơ từ các chất khoáng, nước có trong đất và khí Cacbonic trong khí quyển dưới tác động của ánh sáng mặt trời. Cây rừng có khả năng tái sinh, vì vậy rừng có khả năng tự tái tạo.

Tài nguyên rừng là kho báu lâm sản, thổ sản; là nguồn nguyên liệu, dược liệu không dễ gì thay thế được.

Nhà cửa, các công trình xây dựng, đồ dùng gia dụng, nội thất trong mỗi công trình, nguyên liệu để làm giấy, sơn, vec-ni, dược liệu… mà con người đang sử dụng đều từ lâm sản.

Rừng đáng quý biết bao! Những giá trị về sinh khối do sinh vật rừng mang lại mà chúng ta quen gọi là lâm sản như vừa kể chỉ là phần nhỏ trong giá trị của rừng.

  Người ta đã chứng minh được rằng, trong giá trị to lớn của rừng, nếu như giá trị lâm thổ sản là 1 phần thì giá trị môi trường do rừng đem lại có giá trị gấp trăm lần hơn thế. Thật vậy:

Rừng là nhân tố góp phần hình thành đất, có tác dụng giữ đất, giữ nước, điều hoà khí hậu, thuỷ văn. Rừng là nơi khép kín các chu trình vật chất. Rừng có vai trò chủ đạo trong việc giữ cân bằng sinh thái trên trái trái đất.

Hệ thực vật rừng là nhà máy sản xuất ôxy tự nhiên khổng lồ từ khí thải CO2 do hoạt động của con người và sinh vật thải ra. Mỗi năm, tính trung bình, 1ha rừng sản xuất ra khoảng 16 tấn ôxy cho bầu khí quyển trái đất.

Có thể nói: ” Rừng là 1 bộ phận không thể thiếu trên trái đất. Rừng duy trì sự sống của chúng ta.

*

*  *

Rừng là như vậy, nhưng nhiều người chưa hiểu hết vai trò và tác dụng lớn lao  của rừng, thiếu ý thức bảo vệ rừng.

Việc khai thác lâm sản không tuân thủ quy trình, quy phạm quản lý BVR. Nạn chặt phá rừng, khai thác rừng trái phép, đặc biệt là việc đốt phá rừng làm rẫy, gây cháy rừng, cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng thiếu cơ sở khoa học, vô tình hay cố ý  là nguyên nhân đẫn đến mất rừng, gây hậu quả khôn lường.

*

*  *

Thực trạng tài nguyên rừng suy giảm thế nào?

Theo thông tin những vấn đề lý luận (số 12 - 6/2011) báo điện tử Đảng cộng sản Việt nam: “Mỗi năm trái đất mất đi 5% diện tích rừng nguyên sinh và rừng nhiệt đới. Do đó, làm cho 1/3 số loài động vật bị dồn đuổi, co cụm lại trong các vùng mà diện tích chỉ bằng 1,4% diện tích lục địa, nên chúng đang có nguy cơ bị tuyệt chủng.”

Trên thế giới, những năm gần đây liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy rừng lớn. Hàng trăm ngàn ha rừng đã bị cháy ở Oxtraylia, ở Mỹ,  ở Nga và gần chúng ta nhất là cháy rừng ở Philipin, Indonexia. Thiệt hại do cháy rừng ở những nước này lên tới nhiều tỷ đôla, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sinh hoạt của loài người.

Cháy rừng ở Nga cuối mùa hè năm 2010  làm thiệt mạng 62 người, thiêu hủy 3.200 ngôi nhà thuộc 199 điểm dân cư và gây thiệt hại vật chất lên tới hơn 12 tỷ rúp (khoảng 400 triệu USD). Thủ tướng Nga-PuTin đã phải đích thân chỉ huy chữa cháy rừng.

Ở Việt nam, vụ cháy rừng tháng 4 năm 2002 ở rừng tràm Uminh đã đi vào lịch sử với 4000ha rừng tràm bị cháy. Gần đây nhất, mùa khô 2009 - 2010 đã xảy ra 2 vụ cháy rừng lớn: Vụ cháy rừng ở Vườn quốc gia Hoàng Liên kéo dài 10 ngày cuối tháng 2 năm 2010- đúng vào dịp tết nguyên đán Canh dần đã thiêu trụi trên 700 ha rừng;

Vụ cháy rừng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa - Sơn La vào đầu tháng 3 năm 2010 cũng thiêu trụi trên 300 ha rừng tự nhiên quý hiếm. Trong 2 vụ cháy rừng lớn  đó, Ban chỉ đạo (BCĐ) những vấn đề cấp bách về bảo vệ rừng &phòng cháy chữa cháy rừng( PCCCR) phối hợp với Uỷ ban cứu hộ cứu nạn quốc gia đã phải huy động nhiều lực lượng phối hợp, bao gồm lực lượng tại chỗ, lực lượng xung kích tăng cường của các địa phương, lực lượng bộ đội của Quân khu 2… tham gia chữa cháy trong nhiều ngày mới khống chế và dập tắt được đám cháy.

Cháy rừng  không chỉ thiêu đốt tài sản của người làm nghề rừng mà còn thiêu đốt muôn loài đe doạ sự sống của chúng ta.

Tác hại của cháy rừng ra sao?  Có thể nói nôm na bằng thơ cho dễ nhớ như sau:              

                                    “Cháy rừng như thể cháy nhà

Cháy rừng như thể cháy da thịt mình

Cháy rừng huỷ hoại môi sinh

Cạn kiệt nguồn nước, khổ mình, khổ ta

Còn đâu mưa thuận gió hoà

Lũ quét, lũ ống, cửa nhà lìa tan

 Đất rừng sau cháy điêu tàn

Khi mưa đất lở, nước tràn ngập trôi

Còn đâu đất tốt trên đồi?

Cỏ tranh lau lách được thời đua chen

Cháy rừng đâu chỉ mất tiền?

Mất luôn sinh cảnh, thủng tầng điện ly

Hiệu ứng nhà kính thần kỳ

Băng tan tuyết chảy, tức thì nước dâng

Cháy rừng muông thú bâng khuâng

Không nơi ẩn nấp hết nguồn thức ăn”*

*

*  *

       Mất rừng, thiên nhiên giận dữ thế nào? Người đời đã tổng kết:

“Ăn của rừng rưng rưng nước mắt,

Đốt phá rừng trời ắt phạt cho.

Phạt bằng mưa lũ, hạn khô,

Phạt cho hết nước - khó khăn cấy cầy.

 Vắng chim, vắng thú vui vầy,

Hết cây gỗ tốt dựng xây cửa nhà.

Phạt bằng rừng mãi lùi xa,

  Núi thành sa mạc trơ ra, sói mòn.

Phạt đời người phá, đời con,

Phạt đến đời cháu nếu còn phá nghen!”*

*

*   *

Gây trồng và bảo vệ rừng và lợi ích:

“Cháy rừng như thể cháy nhà,

Cháy rừng như thể cháy da thịt mình.

Trồng rừng  kiến tạo môi sinh,

Nhưng khó bắt trước mô hình tự nhiên.

 Khoanh núi, bảo vệ, ưu - phiền,

 Để tự tái tạo, lâu niên mới thành.

  Trồng rừng …những loại mọc nhanh,

Là bóc lột đất, nếu: thâm canh không làm.

Vui thay, Nhà nước đã làm:

Giao rừng giao đất cho làng cho dân,

Giao cho tổ chức, cá nhân

 Hỗ trợ  kỹ thuật, cây, phân bón rừng.

*

*  *

Ăn của rừng rưng rưng nước mắt,

Kiến tạo rừng trời ắt giúp ta.

Giúp cho mưa thuận gió hoà,

Rừng về, bướm lượn chim ca vui vầy.

Trồng rừng cho gỗ dựng xây,

 Cho nguyên dược liệu, cho đầy kho lương.

 Giữ rừng lúa tốt trên nương,

Cho dòng suối chảy vấn vương tình người.

   Rừng xanh cây cối tốt tươi,

Môi trường trong sạch giúp người giúp ta.”*

   Nguyên nhân nào dẫn đến cháy rừng?

Kết quả nghiên cứu cho thấy: sự cháy chỉ xuất hiện khi có sự kết hợp đồng thời của 3 yếu tố đó là: nguồn vật liệu cháy có độ ẩm dưới 15%, đủ O2 và nguồn nhiệt đủ lớn.

Ở trong rừng, nguồn vật liệu cháy và O2 luôn sẵn có. Khi nắng nóng hoặc thời tiết khô hanh kéo dài, các lọại cỏ, cây bụi khô nỏ, tầng thảm mục trên mặt đất rừng gồm: lớp lá rụng, cành khô, thân và cành cây đổ gãy hoặc do khai thác gỗ để lại cùng với lớp mùn do vật rơi rụng của thực vật phân huỷ tạo nên, cũng khô nỏ, độ ẩm nhỏ, rất dễ bén lửa. Vì vậy, nếu có lửa trong rừng khi trời nắng nóng, hoặc thời tiết khô hanh rất dễ xảy ra cháy rừng.

Ở nước ta, nguyên nhân gây cháy rừng chủ yếu do con người sử dụng lửa bất cẩn gây ra.

Các nguyên nhân chính gây cháy rừng gồm: đốt nương làm rẫy để lửa cháy lan; sử dụng lửa bất cẩn khi bắt ong; đốt cỏ khô để cỏ non mọc phục vụ lợi ích chăn nuôi của 1số người chăn nuôi đại gia súc; trẻ em chăn trâu đốt lửa sưởi trong rừng; thả đèn trời dịp lễ tết, lửa rơi xuống gây cháy ...thậm chí chỉ vứt 1 mẩu thuốc lá khi hút xong vào rừng lúc thời tiết hanh khô... cũng gây cháy rừng.

Nguyên tắc và phương châm phòng cháy và chữa cháy rừng là gì?

Để phòng cháy và chữa cháy rừng hiệu quả phải quán triệt nguyên tắc: ”Phòng là chính, chữa cháy rừng phải khẩn trương và triệt để”. “Phương châm hành động là 4 tại chỗ”. Đó là: “lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ”.

Trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng của Ủy ban nhân dân cấp xã như thế nào?

Điều 6-Nghị định 23/2006/NĐ – CP ngày 3/3/2006 đã chỉ rõ:

Trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng của Ủy ban nhân dân cấp xã  gồm 11 nhiệm vụ:

1. Chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng trong phạm vi cấp xã.

2. Lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng của địa phương, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch đó.

3. Thực hiện việc phân định ranh giới các loại rừng trên bản đồ và trên thực địa theo sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

4. Thực hiện việc thống kê, kiểm kê, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng trong phạm vi địa phương và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện.

5. Thực hiện việc bàn giao rừng tại thực địa cho các chủ rừng và xác nhận ranh giới rừng của các chủ rừng trên thực địa.

Xây dựng phương án giao rừng, cho thuê rừng trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và có kế hoạch trình Ủy ban nhân dân cấp huyện đưa vào sử dụng đối với những diện tích rừng Nhà nước chưa giao, chưa cho thuê.

6. Lập và quản lý hồ sơ giao rừng, cho thuê rừng và đất để trồng rừng; các hợp đồng cho thuê rừng, khoán rừng giữa tổ chức, cộng đồng dân cư thôn, hộ gia đình, cá nhân trong xã.

7. Hướng dẫn nhân dân thực hiện quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, sản xuất lâm nghiệp, nông nghiệp, ngư nghiệp kết hợp; làm nương rẫy, định canh, thâm canh, luân canh, chăn thả gia súc theo quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng đã được phê duyệt.

8. Chỉ đạo các thôn, bản và đơn vị tương đương xây dựng và thực hiện quy ước quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; tổ chức và huy động lực lượng quần chúng trên địa bàn phối hợp với kiểm lâm, lực lượng công an, quân đội trên địa bàn phát hiện và ngăn chặn kịp thời những hành vi xâm hại rừng.

9. Kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng theo thẩm quyền.

10. Tổ chức thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

11. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện về việc để xảy ra phá rừng trái phép, cháy rừng, mất rừng, sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích ở địa phương.

Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong công tác PCCCR thế nào?

Điều 35-Nghị định 09/2006/NĐ-CP ngày 16 tháng 1  năm 2006 của Chính phủ Nước cộng hoà XHCNViệt Nam về PCCCR đã chỉ rõ: 

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp theo thẩm quyền và phạm vi quản lý của mình chịu trách nhiệm về phòng cháy và chữa cháy rừng và có trách nhiệm cụ thể sau:

1. Ban hành các quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng tại địa phương.

2. Thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng.

3. Chỉ đạo, kiểm tra và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy rừng; xử lý hành chính các hành vi vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng theo thẩm quyền.

4. Hướng dẫn, chỉ đạo tuyên truyền, giáo dục pháp luật, kiến thức về phòng cháy và chữa cháy rừng cho nhân dân, xây dựng phong trào quần chúng tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy rừng.

5. Đầu tư ngân sách cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy rừng; trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy rừng.

6. Chỉ đạo việc xây dựng và thực tập phương án phòng cháy và chữa cháy rừng cần huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia.

7. Chỉ đạo tổ chức chữa cháy rừng, điều tra nguyên nhân gây cháy rừng và khắc phục hậu quả vụ cháy rừng.

8. Quy hoạch địa điểm, đề xuất cấp đất và xây dựng doanh trại cho lực lượng phòng cháy và chữa cháy rừng.

9. Thống kê, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp trên; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình phòng cháy và chữa cháy rừng./.

Tin cùng chuyên mục :

 
 

Nhà khách Kiểm Lâm

Liên kết - Quảng cáo

Thống kê Website

Đang truy cập 4
Hôm nay 710
Tháng hiện tại 14702
Tổng lượt truy cập: 1528035
Địa chỉ IP của bạn: 35.172.110.179

CHI CỤC KIỂM LÂM VÙNG 1

Địa chỉ: Phường Hà Khẩu - TP Hạ Long - Quảng Ninh

Đường dây nóng: 0981197119 - Điện thoại:0203.3846768 - Email: kiemlamvung1@gmail.com

Thiết kế website TECH14 Tech14.vn