Đôi điều về hoạt động quản lý, gây nuôi Động vật hoang dã tại các tỉnh khu vực phía Bắc

          Hiện nay, Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến  hoạt động  quản lý,bảo vệ động vật hoang dã. Để quản lý ĐVHD nói chung, trong đó có hoạt động nuôi ĐVHD nói riêng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan  như: Luật đa dạng sinh học năm 2008, Luật Lâm nghiệp năm 2017, Luật chăn nuôi 2018, Luật Thuỷ sản năm 2017;Luật số: 12/2017/QH14 ngày 20/6/2017 “Luật sửa đổi, bổ sung, một số điều của Bộ luật hình sự số 00/2015/QH13”  và được cụ thể hoá tại các Nghị định như: Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ (Danh mục loài đã được sửa đổi bởi Nghị định 64/2019/NĐ-CP; Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; Nghị định 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2019/NĐ-CP; Nghị định 26/2019/NĐ-CP ngày 8 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuỷ sản; Nghị định số 35/2019/NĐ-CP, ngày 25/04/2019 của Chính phủ về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp; Nghị định số 42/2019/NĐ-CP, ngày 16/5/2019 của Chính phủ về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực Thuỷ sản; Nghị định 155/2016/NĐ-CP, ngày 18/11/2016 của Chính phủ về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản. Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 217/9/2016  của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách phòng ngừa, đấu tranh với hành vi xâm hại ĐVHD; Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã; Chỉ thị 04/CT-TTg ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam, Văn bản số 6461/BNN-TCLN ngày 27/9/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành về việc tăng cường công tác bảo vệ chim hoang dã, chim di cư, ...Các ngành, các cấp đã có nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ hơn nhằm đưa pháp luật vào cuộc sống, nhất là đấu tranh, triệt phá các đường dây vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ trái pháp luật các loài động vật hoang dã. Việt Nam đã tham gia Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).

          Tuy nhiên, tình trạng vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ bất hợp pháp các loài động vật hoang dã còn diễn biến phức tạp ở một số địa bàn, địa phương, ảnh hưởng tiêu cực đến cân bằng sinh thái, sức khỏe con người; ngoài ra còn phát sinh rủi ro truyền nhiễm dịch bệnh sang người, gia súc, gia cầm.

          Hiện tại, trong phạm vi hoạt động của Chi cục Kiểm lâm Vùng I tại 19 tỉnh khu vực phía Bắc có khoảng 1.440 cơ sở nuôi sinh sản, sinh trưởng, kinh doanh, cứu hộ,… các loài động vật hoang dã. Các cơ sở nuôi này cơ bản đã thực hiện theo các quy định của pháp luật, phát huy được hiệu quả hoạt động, ngoài tác dụng gián tiếp bảo vệ nguồn lợi thiên nhiên mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, tham quan học tập, phục vụ thí nghiệm, nghiên cứu khoa học,…. Công tác quản lý các cơ sở nuôi động vật hoang dã trên địa bàn các tỉnh khu vực phía Bắc từng bước đi vào nề nếp, đã chủ động kiểm soát phòng ngừa, ngăn chặn việc khai thác, kinh doanh tiêu thụ các loài động vật hoang dã quý hiếm, nguy cấp trái pháp luật, tăng cường hỗ trợ, thúc đẩy việc gây nuôi, nhân giống các loài động vật hoang dã có giá trị kinh tế để đem lại thu nhập cho người dân.

          Tuy nhiên, quy mô gây nuôi động vật hoang dã tại các tỉnh trong vùng phần lớn là quy mô nhỏ lẻ, tự phát ở quy mô hộ gia đình, tận dụng thức ăn thừa, chưa có quy hoạch vùng nuôi phù hợp; nguồn giống của các cơ sở chủ yếu là do các hộ tự thực hiện thông qua mua, bán trao đổi giữa các hộ gây nuôi, nhiều khi xảy ra hiện tượng cận huyết hoặc lai tạp với các phân loài khác làm phát sinh bệnh tật di truyền, giảm sức sống và khả năng sinh sản ở các thế hệ kế tiếp; kỹ thuật gây nuôi chủ yếu theo kinh nghiệm, chưa có tính khoa học nên các cá thể được nuôi sinh trưởng, phát triển chậm; công tác phòng trừ dịch bệnh, phát triển đàn nuôi còn nhiều hạn chế, yếu kém.

          Việc quản lý, gây nuôi động vật hoang dã cũng gặp không ít khó khăn, thách thức như:

          - Quy định Pháp luật về quản lý, gây nuôi đậng vật hoang dã về cơ bản đã hoàn thiện và bao chùm các hoạt động, tuy nhiên vẫn còn một số chồng chéo, một số nội dung chưa thật chặt chẽ (ví dụ như một loài có thể thuộc các Danh mục khác nhau, chế độ quản  lý khác nhau; Các quy định về quản lý nguồn gốc ĐVHD trong lưu thông, vận chuyển chưa thực sự chặt chẽ (giấy tờ đi đôi với hàng hoá));

          - Văn hoá địa phương từ lâu ĐVHD được xem như sản vật vùng ngập nước, đặc biệt mùa lũ như ba ba nam bộ, trăn, rắn các loại mà cư dân địa phương "quyền khai thác" tự do;

          - Giá thành nuôi và nhu cầu tăng của thị trường quyết định tính tuân thủ pháp luật trong nuôi nhốt: khi giá thành nuôi cao (thức ăn, chi phí quản lý...) người nuôi có xu hướng tìm cách đưa mẫu vật có nguồn gốc tự nhiên vào cơ sở nuôi nhốt (trường hợp khai thác rẻ hơn hoặc năng lực sản xuất không đáp ứng thị trường); đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí nhiều loài nuôi không tìm được đầu ra;

         - Năng lực thực thi luật về quản lý nuôi ĐVHD bao gồm chuyên ngành được đào tạo, tham gia các khoá đào tạo liên quan và trách nhiệm trong thi hành công vụ chưa được quy định cụ thể trong vị trí việc làm (ví dụ vị cán bộ kiểm lâm địa bàn phụ trách quản lý hoạt động nuôi ĐVHD phải tốt nghiệp các trường đào tạo về thú ý, sinh học, sinh thái ĐVHD); ngoài ra cán bộ được giao nhiệm vụ còn thiếu kỹ năng trong áp dụng và thực thi luật, các kỹ năng nhận biết ĐVHD...

          - Đóng góp của hoạt động nuôi cho bảo tồn vẫn là một câu hỏi lớn. Tại Việt Nam chưa có một đánh giá nào về tác động của hoạt động nuôi đến giảm áp lực săn bắn loài trong tự nhiên. Hoạt động sử dụng động vật có nguồn gốc gây nuôi để tái thả lại tự nhiên mới chỉ được chứng minh ở một số nhóm loài cụ thể, những loài ít mất bản năng tự nhiên do bị nuôi như cá sấu, trăn. Mặt khác, một số loài bị khai thác cạn kiệt trong tự nhiên, tuy nhiên quần thể trong môi trường nuôi nhốt lại rất lớn.

          -Tác động của hoạt động nuôi nếu không được quản lý tốt sẽ gây suy thoái nguồn gen do lai tạp và đồng huyết, cận huyết. Hoạt động nuôi có rủi ro lây nhiễm một số bệnh mới nổi sang con người và vật nuôi khác.

           Ngoài ra, các chủ trại nuôi cũng ít có cơ hội để vay vốn mở rộng quy mô gây nuôi.

Ảnh: Cơ sở nuôi rắn tại xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc

          Để quản lý, bảo tồn, nâng cao hiệu quả kinh tế, xã hội, phát triển hoạt động gây nuôi động vật hoang dã bền vững, thiết nghĩ cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính các quy định pháp luật liên quan đến quản lý, gây nuôi động vật hoang dã; phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn lao động và kinh nghiệm nuôi động vật hoang dã; chú trọng các loài nuôi lợi thế; chuyển từ gây nuôi phân tán mang tính tận dụng quy mô nhỏ sang gây nuôi sản xuất hàng hóa với quy mô phù hợp với điều kiện kinh tế, kỹ thuật và nhu cầu tiêu thụ; đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong gây nuôi. Kiểm tra, giám sát hoạt động nuôi thường xuyên để tránh việc các chủ nuôi đưa ĐVHD bất hợp pháp vào cơ sở; Nâng cao năng lực các cơ quan thực thi pháp luật trong trong xác định đặc tính sinh học các loài nuôi; năng lực trong phân biệt nguồn gốc các mẫu vật; năng lực trong thực hiện các quy định pháp luật.  Tăng cường quản lý an toàn dịch bệnh: Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý về thú y, ĐVHD, cơ quan quản lý về môi trường để tăng cường quản lý rủi ro, xây dựng hướng dẫn an toàn sinh học trong nuôi ĐVHD và phòng ngừa các dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi. Thực hiện các nghiên cứu về bảo tồn nguyên vị, trong đó có nuôi sinh sản, nuôi cứu hộ và tái thả lại sinh cảnh phù hợp, trong đó khuyến khích sự phối hợp giữa các viện nghiên cứu nhà nước với cộng đồng địa phương. Công bố các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm có khả năng sinh sản trong điều kiện nuôi nhân tạo. Mặt khác, cần tiến hành điều tra, đánh giá tổng thể hoạt động các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn các tỉnh./.

                                              TG:  Đặng Anh Quỳnh – Trưởng phòng Nghiệp vụ III

 
 

Nhà khách Kiểm Lâm

Liên kết - Quảng cáo

Thống kê Website

Đang truy cập 13
Hôm nay 176
Tháng hiện tại 4083
Tổng lượt truy cập: 1909409
Địa chỉ IP của bạn: 98.80.143.34

CHI CỤC KIỂM LÂM VÙNG 1

Địa chỉ: Phường Hà Khẩu - TP Hạ Long - Quảng Ninh

Đường dây nóng: 0981197119 - Điện thoại:0203.3846768 - Email: kiemlamvung1@gmail.com

Thiết kế website TECH14 Tech14.vn