Thực hiện Nghị quyết 249 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Tăng giá trị rừng kinh tế

          BẮC GIANG- Thực hiện Nghị quyết 249-NQ/TU ngày 1/11/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (gọi tắt là Nghị quyết số 249) về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, các địa phương đã cụ thể bằng nghị quyết, kế hoạch và dành nguồn lực thực hiện. Qua đó từng bước nâng cao giá trị từ rừng và có thêm nguồn lực phát triển KT-XH địa phương.

          Sản lượng gỗ rừng trồng tăng

          Dù có lợi thế phát triển kinh tế rừng với khoảng 2,3 nghìn ha đất lâm nghiệp song trước đây thôn Cai Vàng, xã Đông Hưng (Lục Nam) vẫn được coi là một trong những địa phương khó khăn của huyện, tỷ lệ hộ nghèo cao. Theo bà Nguyễn Thị Ngân, Trưởng thôn Cai Vàng, nguyên nhân là do người dân lựa chọn giống kém, năng suất thấp, thời gian sinh trưởng kéo dài, thiếu kinh nghiệm chăm sóc nên giá trị từ rừng trồng thấp (trước đây đạt khoảng 60-80 triệu đồng/ha/chu kỳ 5 năm).

Khu vực trồng rừng kinh tế tại thôn Cai Vàng, xã Đông Hưng (Lục Nam).

          Nhằm khai thác lợi thế, từ năm 2017, cơ quan chuyên môn của huyện hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và định hướng người dân chuyển sang trồng giống nuôi cấy mô. Người trồng rừng thấy được tiềm năng kinh tế rừng nên quan tâm đầu tư, chăm sóc. Nhờ đó năng suất gỗ rừng trồng không ngừng tăng lên, hiện đạt 180 m3/ha/chu kỳ 5 năm, tăng 30 m3/ha so với năm 2017. “Cả thôn hiện chỉ còn 2 hộ nghèo, trong thôn cũng xuất hiện ngày càng nhiều hộ thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm từ trồng rừng… Tới đây khi tuyến đường qua địa phương hoàn thành, đưa vào khai thác, kinh tế rừng của thôn sẽ có bước phát triển mới”, bà Ngân phấn khởi.

          Nghị quyết số 249 chỉ rõ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đối với công tác phát triển rừng, Nghị quyết đề ra mục tiêu nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế rừng, phấn đấu tăng trưởng bình quân đạt 20 m3/ha/năm. Cụ thể hóa Nghị quyết, các địa phương xây dựng nghị quyết chuyên đề, kế hoạch thực hiện với những cơ chế hỗ trợ.

          Ví như tại huyện Lục Nam, sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 94-NQ/HU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Huyện ủy về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2021-2025, địa phương bố trí gần 770 triệu đồng thực hiện mô hình trồng rừng thâm canh; diện tích rừng trồng hằng năm cũng tăng. Các diện tích rừng trồng đều tập trung vào giống mới được sản xuất bằng hình thức cấy mô như: Bạch đàn mô DH3229, U6…; keo lai mô BV10, BV32, AH1...

          Tăng trưởng gỗ rừng trồng của huyện đạt bình quân 23-25 m3/năm (cao hơn mục tiêu Nghị quyết số 249 đề ra), giá trị sản xuất lâm nghiệp năm 2022 đạt 250 tỷ đồng, tăng 50 tỷ đồng so với năm 2021. Tương tự, nhờ chính sách hỗ trợ, trung bình mỗi năm toàn huyện Lục Ngạn trồng mới khoảng 2 nghìn ha rừng, đến nay cơ bản diện tích đất lâm nghiệp của huyện được phủ xanh.

          Anh Nghiêm Văn Mùi, thôn Bến Huyện, xã Nam Dương (Lục Ngạn) cho biết: “Nhận thấy giá trị kinh tế rừng, từ năm 2017 đến nay, tôi đầu tư mua thêm 150 ha, nâng tổng diện tích đất rừng của gia đình là 156 ha. Để nâng cao năng suất, tôi lựa chọn giống bạch đàn mới theo tư vấn của cán bộ kiểm lâm và dùng phân bón rõ nguồn gốc bón cho cây. Vừa rồi tôi thu hoạch 7 ha rừng, bán được hơn 2,2 tỷ đồng”.

          Thêm nguồn lực để khai thác lợi thế

          Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, từ năm 2017 đến nay, các địa phương trồng được gần 60 nghìn ha rừng tập trung. Trong đó năm 2022 trồng được hơn 10,1 nghìn ha, tăng bình quân gần 2 nghìn ha/năm so với thời điểm trước khi có Nghị quyết số 249. Cùng thời gian, toàn tỉnh khai thác hơn 55,5 nghìn ha với tổng sản lượng hơn 5,3 triệu m3, trong đó năm 2022 khai thác được 1,078 triệu m3, tăng gần gấp đôi so với năm 2017 và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra đến năm 2025.

          Sau gần 6 năm thực hiện Nghị quyết 249, các địa phương trồng được gần 60 nghìn ha rừng tập trung; khai thác hơn 55,5 nghìn ha với tổng sản lượng hơn 5,3 triệu m3 gỗ. Trong đó năm 2022 khai thác được 1,078 triệu m3, tăng gần gấp đôi so với năm 2017 và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra đến năm 2025.

          Qua đó đưa Bắc Giang trở thành địa phương dẫn đầu khu vực các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc về khai thác gỗ rừng trồng. Mặc dù đóng góp tích cực vào phát triển chung của ngành Nông nghiệp (giá trị khai thác 8 tháng đầu năm 2023 đạt 856 tỷ đồng, ước hết năm 2023 đạt 1.265 tỷ đồng, tăng 6,9% so với năm 2022) song qua đánh giá, kinh tế rừng của tỉnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Nhiều diện tích rừng manh mún, nhỏ lẻ nên khi triển khai các chương trình hỗ trợ khó thực hiện, chưa phát huy được tính sản xuất hàng hóa.

          Tại huyện Sơn Động, để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 có 30% diện tích rừng trồng chuyển sang rừng gỗ lớn, UBND huyện chủ trương bố trí kinh phí hỗ trợ các chủ rừng thực hiện chuyển đổi với mức 20 triệu đồng/ha đối với diện tích rừng trồng gỗ lớn và 10 triệu đồng/ha đối với diện tích chuyển hóa từ gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Tuy nhiên, do nguồn lực của người dân hạn chế, trong khi chu kỳ trồng rừng gỗ lớn kéo dài (12-14 năm) nên nhiều hộ không mặn mà, việc hỗ trợ khó thực hiện.

          Tương tự, tại huyện Lục Nam việc phát triển diện tích được cấp chứng chỉ rừng bền vững cũng đang gặp khó khăn do chi phí lớn và chưa có doanh nghiệp đồng hành. “Để tiếp tục nâng cao giá trị kinh tế rừng, ngành tiếp tục quan tâm quản lý chất lượng cây giống, định hướng cho người trồng rừng những giống cây mới, năng suất, chất lượng cao hơn. Đặc biệt, ngành đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn theo Nghị quyết số 26 của HĐND tỉnh. Khi kế hoạch được triển khai, giá trị kinh tế rừng sẽ tiếp tục tăng”, ông Hà Minh Quý, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nói.

                        Bài, ảnh: Sỹ Quyết

                             Nguồn: Báo Bắc Giang

 
 

Nhà khách Kiểm Lâm

Liên kết - Quảng cáo

Thống kê Website

Đang truy cập 8
Hôm nay 620
Tháng hiện tại 23186
Tổng lượt truy cập: 1953961
Địa chỉ IP của bạn: 18.118.140.78

CHI CỤC KIỂM LÂM VÙNG 1

Địa chỉ: Phường Hà Khẩu - TP Hạ Long - Quảng Ninh

Đường dây nóng: 0981197119 - Điện thoại:0203.3846768 - Email: kiemlamvung1@gmail.com

Thiết kế website TECH14 Tech14.vn