baophutho.vnTrong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài, làm cho nguy cơ cháy rừng tăng cao. Để chủ động thực hiện hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra, tỉnh đã triển khai nhiều phương án, trong đó thực hiện phương châm “4 tại chỗ” là giải pháp quan trọng nhằm ứng phó hiệu quả với tình trạng cháy rừng, góp phần phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững.
Lực lượng kiểm lâm tỉnh kiểm tra công tác PCCCR trên địa bàn huyện Tân Sơn.
Phát huy trách nhiệm, ý thức từ cơ sở
Phú Thọ là tỉnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn với gần 180.000ha, tập trung chủ yếu tại các huyện: Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập, Hạ Hòa, Đoan Hùng... Việc phát huy trách nhiệm, ý thức từ cơ sở, chủ động phòng ngừa, ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ” đã góp phần ngăn ngừa, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra.
Để chủ động thực hiện hiệu quả công tác PCCCR, Hạt Kiểm lâm huyện Thanh Sơn đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng phương án, kế hoạch đảm bảo công tác bảo vệ, PCCCR năm 2024; phối hợp với các lực lượng, địa phương có rừng và các chủ rừng thực hiện xử lý thảm thực bì, làm giảm vật liệu cháy ở các khu rừng dễ cháy, tạo đường băng cản lửa. Ngoài chỉ đạo các địa phương có rừng tăng cường quản lý nhà nước về bảo vệ, PCCCR, kiểm soát nguy cơ cháy rừng, việc đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ, PCCCR, tăng cường kiểm tra, rà soát, bổ sung phương án PCCCR theo phương châm “4 tại chỗ”, duy trì chế độ thường trực 24/24 giờ trong suốt mùa nắng nóng được triển khai tích cực. Cùng với đó, kiện toàn hệ thống chỉ huy điều hành PCCCR các cấp; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên gắn với địa bàn được giao phụ trách thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các địa phương, đơn vị, chủ rừng thực hiện nghiêm các biện pháp PCCCR. Theo thống kê, toàn huyện Thanh Sơn có diện tích rừng và đất lâm nghiệp gần 40.000ha.
Đồng chí Trần Quang Hưng - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Thanh Sơn cho biết: Từ đầu năm đến nay, Hạt đã chỉ đạo kiểm lâm địa bàn phối hợp với UBND các xã tổ chức tuần tra, kiểm tra gần 70 lượt tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng, phá rừng và khai thác lâm sản trái phép trên địa bàn; kiện toàn Ban chỉ huy PCCCR cấp huyện, xã; điều chỉnh, bổ sung phương án PCCCR theo phương châm “4 tại chỗ” phù hợp tình hình địa phương, chú trọng phòng ngừa là chính, chữa cháy phải kịp thời, hiệu quả. Trong những ngày nắng nóng, có nguy cơ cháy cao, chủ rừng và lực lượng kiểm lâm huyện tổ chức trực 24/24h để nhận thông tin, tuần tra, canh gác đối với các khu rừng dễ cháy nhằm sớm phát hiện lửa rừng, huy động lực lượng chữa cháy kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra.
Những ngày nắng nóng, ông Phạm Minh Tâm ở xã Bằng Doãn, huyện Đoan Hùng thường xuyên vào rừng để theo dõi, kiểm tra và chủ động thực hiện các phương án PCCCR. Với diện tích rừng keo của gia đình sắp đến kỳ thu hoạch, ông tập trung phát dọn thực bì, tạo ra những đường băng cản lửa nhằm kiểm soát, phòng ngừa nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra. Ông Tâm chia sẻ: “Những ngày nắng nóng, chúng tôi theo dõi để tuyệt đối không cho bất cứ ai mang lửa vào rừng, không được đốt ong lấy mật. Tôi thường xuyên nhắc nhở các thành viên trong gia đình và người dân xung quanh không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống cháy rừng bởi nếu để xảy ra cháy rừng, thiệt hại về kinh tế và môi sinh, môi trường là rất lớn”.
Hướng dẫn người dân theo dõi cháy rừng bằng phần mềm được trang bị trên smartphone.
“4 tại chỗ, 5 sẵn sàng”
Với diện tích rừng lớn, chủ yếu trồng các loại cây nhiều tinh dầu, dễ bắt lửa như: Keo, bạch đàn, quế... khi gặp thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ cao rất dễ bén lửa trong khi thực bì dưới tán rừng dày cũng làm gia tăng vật liệu gây cháy. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 3 vụ cháy rừng tại các huyện: Thanh Sơn, Thanh Thủy, nguyên nhân chủ yếu do người dân xử lý thực bì sau khai thác bất cẩn gây cháy lan. Dự báo, năm nay sẽ xuất hiện nhiều đợt nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao, độ ẩm trong ngày tương đối thấp nên nguy cơ xảy ra cháy rừng cao.
Thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cháy rừng vẫn là do ý thức chủ quan, sự bất cẩn của người dân trong sử dụng lửa gần rừng, ven rừng, đốt thực bì chưa đúng quy định và hướng dẫn. Không ít người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa nhận thức hết tác hại, hậu quả của việc sử dụng lửa gần rừng, ven rừng, chưa chấp hành nghiêm các quy định về đốt thực bì. Từ nguyên nhân này đặt ra yêu cầu cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức của người dân về công tác PCCCR theo quy định của pháp luật; gắn giao khoán bảo vệ rừng, cho thuê rừng, đất lâm nghiệp với ký cam kết bảo vệ rừng, PCCCR và xây dựng quy ước, hương ước bảo vệ rừng đến từng khu dân cư...
Hiện nay, toàn tỉnh đã kiện toàn hơn 1.000 tổ, đội PCCCR cộng đồng; lực lượng bảo vệ rừng từ cơ sở đã góp phần quan trọng giảm thiểu, hạn chế thiệt hại do cháy rừng, do đó rừng được bảo vệ, phát triển tốt hơn, duy trì độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt gần 40%.
Bước vào mùa nắng nóng năm nay, tỉnh đã củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo các cấp, phân công nhiệm vụ, địa bàn phụ trách cụ thể cho các thành viên; xây dựng phương án, kịch bản PCCCR, chủ động thành lập các tổ, đội xung kích chữa cháy rừng. Chi cục Kiểm lâm tỉnh là cơ quan chủ lực, chủ động, sẵn sàng đầy đủ lực lượng, phương tiện, các điều kiện cần thiết khác nhằm cụ thể hóa phương châm “4 tại chỗ, 5 sẵn sàng” là: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và lực lượng sẵn sàng, phương tiện sẵn sàng, hậu cần sẵn sàng, chỉ huy sẵn sàng, thông tin sẵn sàng trong PCCCR. Đây được coi là giải pháp quan trọng hàng đầu khi có cháy rừng xảy ra. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác PCCCR; kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn kiểm soát việc sử dụng lửa trong rừng, gần rừng của người dân, nhất là hoạt động đốt nương làm rẫy; dừng ngay việc dùng lửa để xử lý thực bì và những hành vi dùng lửa khác có nguy cơ gây cháy rừng trong suốt thời kỳ cao điểm, nguy cơ cháy rừng cao.
Cùng với đó, phối hợp với Chi cục Kiểm lâm vùng I, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Việt Bắc để theo dõi sát diễn biến thời tiết, khí hậu của từng vùng, kết hợp kiểm tra, xác định cụ thể các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng, trên website của Cục Kiểm lâm: kiemlam.org.vn, website của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia: nchmf.gov.vn; theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống tin nhắn SMS của Chi cục Kiểm lâm để kiểm tra, phát hiện sớm điểm cháy rừng và có biện pháp xử lý kịp thời...
Theo đồng chí Trần Quang Đông - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ngay từ đầu mùa khô, Chi cục đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh, Sở NN&PTNT ban hành các văn bản chỉ đạo, phối hợp với các sở, ban, ngành, huyện, thành, thị tăng cường công tác bảo vệ, ngăn chặn tình trạng phá rừng trái pháp luật và PCCCR; đề nghị các địa phương thực hiện tốt Công điện khẩn, văn bản chỉ đạo của Bộ NN&PTNT về tăng cường công tác bảo vệ, PCCCR. Hướng dẫn, đôn đốc các hạt kiểm lâm điều chỉnh, bổ sung phương án PCCCR, bảo vệ rừng cấp huyện, xã, đồng thời chuẩn bị các phương tiện, trang thiết bị... sẵn sàng ứng phó khi có cháy rừng xảy ra.
Tin, ảnh: Hoàng Hương
Nguồn: Báo Phú Thọ
CHI CỤC KIỂM LÂM VÙNG 1
Địa chỉ: Phường Hà Khẩu - TP Hạ Long - Quảng Ninh
Đường dây nóng: 0981197119 - Điện thoại:0203.3846768 - Email: kiemlamvung1@gmail.com
Thiết kế website TECH14 Tech14.vn