Làm giàu bền vững từ khai thác giá trị đa dụng của rừng

          Tương lai của ngành gỗ không chỉ là chế biến, xuất khẩu gỗ mà nghiên cứu, chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng của rừng, tập trung vào các loài dược liệu, cây bản địa với những tính năng sinh học riêng biệt.

          Chiều 4/4, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức tọa đàm phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng Việt Nam.

Các đại biểu trao đổi tại tọa đàm.

          1m2 trồng nấm linh chi có thể thu hoạch 10 triệu đồng

          Tại tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm khai thác giá trị đa dụng của rừng, tạo thu nhập cho người dân dưới tán rừng bằng mô hình trồng nấm linh chi trong rừng keo từ cách làm của doanh nghiệp, ông Lê Hoàng Thế - Giám đốc Công ty TNHH hệ sinh thái The Vos cho biết, từ năm thứ tư trở đi, nấm linh chi có thể đem lại thu nhập cao cho người trồng keo, yên tâm nuôi keo đến khi đạt kích thước lớn, khoảng 7 - 8 năm tuổi.

          “Bình thường, người dân trồng cây keo lai chỉ khoảng 5 năm là thu hoạch nhưng chỉ cần để đến 8 năm thì giá trị tăng gấp đôi. Trong 3 năm chờ gỗ lớn, người dân làm gì để sống, giải pháp của chúng tôi là trồng nấm linh chi dưới tán keo lai, thời gian 4 tháng có thể thu hoạch. Như vậy một năm có thể thu hoạch 3 lần. Theo tính toán, 1m2 trồng nấm linh chi có thể cho thu hoạch 10 triệu đồng” - ông Lê Hoàng Thế nói.

          Đề án phát triển các giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 đặt mục tiêu đến năm 2030, giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác được gia tăng từ 20% trở lên ngoài giá trị gỗ rừng trồng. Thu từ dịch vụ môi trường rừng tăng trưởng ổn định, bình quân 5%/năm.

          Một mục tiêu nữa là thu từ du lịch cộng đồng, sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tăng 50% so với năm 2020 vào năm 2030 và 100% vào năm 2050.

          Bên cạnh đó, duy trì ổn định và phát triển diện tích rừng đặc dụng đến năm 2030 tăng từ 10-15% so với năm 2020; xây dựng được Kế hoạch hành động bảo tồn loài động vật rừng nguy cấp, quý hiếm tại Việt Nam.

          Bên cạnh lâm sản, việc phát huy các giá trị phi vật thể như văn hóa, tri thức bản địa trong du lịch cũng là một tiềm năng lớn trong hệ sinh thái rừng.

          Là một trong những doanh nghiệp tổ chức rất thành công các tour leo núi xuyên rừng, ông Nguyễn Thành Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Green Forest cho hay, các tour du lịch trong rừng ngày càng được ưa chuộng khi xu hướng con người muốn tìm đến những không gian xanh. Hiện, công ty này có tới 375 poster chuyên tham gia dẫn khách du lịch trải nghiệm các cung đường khám phá rừng già, leo núi Putaleng (Lai Châu).

          Theo GS.TS Phạm Văn Điển - Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp, tương lai của ngành gỗ không chỉ là chế biến, xuất khẩu gỗ mà nghiên cứu, chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng của rừng, tập trung vào các loài dược liệu, cây bản địa với những tính năng sinh học riêng biệt.

          "Đó chính là một trong những con đường làm giàu bền vững từ rừng, bên cạnh khai thác các giá trị từ du lịch sinh thái rừng" - ông Điển nhấn mạnh.

 

Trồng dược liệu dưới tán rừng vừa nâng cao đời sống người dân, vừa góp phần bảo vệ rừng.

          Tiếp cận đa chiều để khai thác giá trị của rừng

          Theo Cục Lâm nghiệp hiện nay, tổng diện tích rừng của Việt Nam là hơn 14,8 triệu ha; trong đó, diện tích rừng tự nhiên hơn 10,1 triệu ha phải bảo tồn, giữ nguyên và chỉ còn gần 4,7 triệu ha rừng trồng có thể khai thác, tổ chức sản xuất phục vụ phát triển kinh tế lâm nghiệp.

          Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 208/QĐ-TTg ban hành Đề án phát triển các giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Một trong những mục tiêu cụ thể của đề án là phát triển bền vững nguồn cung nguyên liệu gỗ thông qua việc tổ chức thâm canh, mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn để đảm bảo chủ động cung cấp nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ.

          Đề án cũng đặt mục tiêu giá trị lâm sản ngoài gỗ, dược liệu tăng 1,5 lần so với năm 2020 vào năm 2030 và tăng gấp 2 lần vào năm 2050; tỷ trọng xuất khẩu từ 10- 15% vào năm 2030 và 25% vào năm 2050.

          Ông Trần Lâm Đồng - Phó Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho rằng, đây là mục tiêu hoàn toàn đúng đắn khi các nước cũng đang hạn chế xuất khẩu để phục vụ thị trường trong nước. Đề án đưa ra nhiệm vụ phát triển lâm sản ngoài gỗ, dược liệu, phát triển dịch vụ môi trường rừng, đa dạng hóa và mở rộng nguồn thu từ các loại dịch vụ môi trường rừng.

          Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh về cách tiếp cận đa chiều để khai thác giá trị của rừng. Mỗi khu rừng đều có tiềm năng, điều quan trọng là tư duy để khai thác hiệu quả và bền vững.

          Chia sẻ về góc độ đa dụng trong giá trị của hệ sinh thái rừng, lãnh đạo Bộ NN&PTNT nói nếu cứ khu biệt giá trị vào lâm sản thì sẽ sớm cạn kiệt, câu chuyện sẽ giống như thủy sản dưới biển.

          Theo Bộ trưởng, với những tiềm năng hiện nay, giá trị của rừng phải cao gấp 10, gấp 100 lần nữa mới xứng đáng với 2 chữ “rừng vàng” và cái hồn của rừng có giá trị cao hơn nhiều cái cốt của rừng. Muốn làm được điều đó, cần thổi được hồn, đưa được những câu chuyện vào những sản phẩm từ rừng để tăng giá trị.

          Tọa đàm nhằm thảo luận hướng làm để phát huy các giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng; phát huy tiềm năng, thế mạnh nhưng phù hợp quy luật phát triển tự nhiên. Đồng thời, phát huy các giá trị tổng hợp của hệ sinh thái rừng trên cùng một đơn vị diện tích và khai thác các giá trị của hệ sinh thái rừng để tạo việc làm, bảo tồn gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, tri thức bản địa của cộng đồng dân tộc thiểu số.

                       Tin, ảnh: Nam Khánh

                                  Nguồn: Báo Mới

 

 

 
 

Nhà khách Kiểm Lâm

Liên kết - Quảng cáo

Thống kê Website

Đang truy cập 2
Hôm nay 27
Tháng hiện tại 25720
Tổng lượt truy cập: 1554953
Địa chỉ IP của bạn: 3.147.80.39

CHI CỤC KIỂM LÂM VÙNG 1

Địa chỉ: Phường Hà Khẩu - TP Hạ Long - Quảng Ninh

Đường dây nóng: 0981197119 - Điện thoại:0203.3846768 - Email: kiemlamvung1@gmail.com

Thiết kế website TECH14 Tech14.vn