Huyện Sơn Động: Chọn phát triển kinh tế rừng là hướng đi bền vững trong quản lý và giải quyết vấn đề việc làm giúp xoá đói giảm nghèo

          Phát huy lợi thế đất rừng huyện Sơn Động tỉnh Bắc Giang đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế rừng tại địa phương nhằm thực hiện song hành hai nhiệm vụ, vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ diện tích rừng hiệu quả. Nhờ vậy, đời sống người dân được nâng lên, doanh thu từ kinh tế rừng có những kết quả tăng trưởng rõ rệt theo từng năm.

          Hỗ trợ tối đa cho người dân phát triển kinh tế rừng

          Là một trong 72 huyện nghèo của cả nước giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu đến năm 2025 đưa huyện Sơn Động thoát khỏi tình trạng huyện nghèo, huyện đặc biệt khó khăn. Cụ thể, Bắc Giang phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của huyện Sơn Động từ 6% - 7%/năm, quy mô hộ nghèo và hộ cận nghèo cuối kỳ giảm ít nhất 60% so với đầu kỳ. Phấn đấu đến năm 2025, thu nhập của hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Sơn Động tăng 1,8 lần so với năm 2020. Tận dụng lợi thế về điều kiện tự nhiên sẵn có với diện tích đất rừng gần 67 nghìn ha, trong đó rừng trồng chiếm gần 50%, những năm gần đây, huyện Sơn Động xem phát triển kinh tế rừng là hướng đi bền vững, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích, động viên nhiều tập thể, gia đình, cá nhân tham gia nhận đất trồng rừng.

          Hiện nay, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển lâm nghiệp cho phép cá nhân, doanh nghiệp khai thác kinh tế nhằm mục tiêu bảo vệ rừng hiệu quả và phát triển rừng bền vững đối với một số loại rừng. Trong đó, nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Sơn Động lần thứ XXVI xác định phát triển kinh tế rừng là một trong những giải pháp nâng cao thu nhập, giảm nghèo, mục tiêu đến năm 2025, thu từ ngành lâm nghiệp đạt 650 tỷ đồng. Ngày 31/5/2021, Huyện ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển rừng, nâng giá trị kinh tế rừng. Để người dân yên tâm bám rừng, cùng với phối hợp mở rộng diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC, UBND huyện mời gọi các doanh nghiệp cam kết thu mua với giá cao hơn 10-15% so với giá thị trường nếu người dân trồng rừng gỗ lớn. UBND huyện đang trình Huyện ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao giá trị rừng trồng kinh tế, giai đoạn 2021-2025.

          Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Dương Thanh Tùng cho biết, với lợi thế về đất rừng, huyện cần quan tâm phát triển kinh tế gắn với rừng, nhất là rừng trồng gỗ, đưa những giống mới, năng suất cao vào trồng. Để nâng cao giá trị, cơ quan chuyên môn hướng dẫn người dân nâng cao trình độ thâm canh, khai thác tối đa dư địa để mở rộng diện tích rừng trồng. Với diện tích rừng đặc dụng, phòng hộ, tập trung cao cho công tác quản lý, bảo vệ, tạo điểm nhấn thu hút đầu tư phát triển du lịch.

          Chủ trương của huyện chuyển đổi từ trồng rừng truyền thống sang trồng rừng kinh tế áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, sử dụng các loại cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Xã Vân Sơn trung bình mỗi năm, người dân trong xã trồng mới 490 ha rừng. Nhờ chuyển đổi sang trồng những giống mới được sản xuất bằng hình thức cấy mô như: Keo BV10, AH1; bạch đàn Cự vĩ DH3229… nên giá trị kinh tế rừng không ngừng tăng lên, đạt bình quân 21,1 tỷ đồng/năm. Anh An tại thôn Mùng, xã Dương Hưu sau gần 5 năm chuyển đổi gần 2ha rừng từ vườn bạch đàn giống cũ thành trồng giống keo mới do cán bộ kiểm lâm địa bàn hướng dẫn kỹ thuật, anh thu về hơn 200 triệu đồng. Tại xã Hữu Sản việc phát triển kinh tế rừng trở thành phong trào tại địa phương và mang lại nguồn thu lớn với diện tích rừng bình quân hơn 3,5 ha/hộ. Bà con nhân dân trong huyện đã xác định nghề trồng rừng là đòn bẩy giúp cho họ thoát nghèo, thúc đẩy nhanh sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương do vậy mà từ trồng rừng, nhiều hộ có điều kiện cải tạo nhà ở, vươn lên thoát nghèo.

Nông dân xã Dương Hưu khai thác rừng trồng

          Ông Lê Đức Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Để nâng cao giá trị kinh tế rừng, chúng tôi đang yêu cầu các địa phương đẩy nhanh việc lập danh sách, đề xuất hỗ trợ chuyển đổi đối với diện tích trồng rừng gỗ lớn. Cùng đó rà soát, lựa chọn 2-3 vị trí (quy mô dưới 2,5 ha/vị trí) nhằm thu hút doanh nghiệp vào đầu tư nhà máy chế biến gỗ hiện đại. Khi đó thu từ ngành lâm nghiệp sẽ tăng, tiềm năng về rừng sẽ được phát huy tối đa”.

          UBND huyện cũng tạo điều kiện tối đa để hỗ trợ cho các chủ rừng chuyển đổi cây trồng với mức 20 triệu đồng/ha nếu phát triển rừng trồng nguyên liệu gỗ lớn, 10 triệu đồng/ha đối với diện tích chuyển hóa rừng trồng nguyên liệu gỗ nhỏ sang rừng trồng nguyên liệu gỗ lớn và hỗ trợ 400 nghìn đồng/ha/năm để quản lý bảo vệ, thời gian không quá 7 năm kể từ thời điểm thực hiện chuyển hóa.

          Một số tồn tại hạn chế trong công tác phát triển kinh tế rừng

          Mặc dù đã có những kết quả đáng ghi nhận trong công tác phát triển kinh tế rừng, nhưng qua đánh giá, kinh tế rừng của huyện vẫn chưa xứng đáng với tiềm năng sẵn có và vẫn tồn tại một số bất cập trong công tác quản lý và giải quyết các hoạt động sai phạm trên địa bàn.

          Thứ nhất, nhiều diện tích rừng manh mún, nhỏ lẻ nên khi triển khai các chương trình hỗ trợ khó thực hiện, chưa phát huy được tính sản xuất tập trung của hàng hóa.

          Thứ hai, các cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn xã đang hoạt động nhưng chưa có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, chưa có văn bản cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, chưa thực hiện việc thuê đất theo quy định. Điển hình như việc xuất hiện các xưởng chế biến lâm sản trái quy định trên địa bàn ở xã Dương Hưu trên đất nông và lâm nghiệp với diện tích rộng lên đến hàng trăm mét vuông. Đáng nói, các công trình này đều là hành vi tự phát tự ý san gạt, hạ cốt nền, hủy hoại đất làm biến dạng thửa đất. Từ cuối năm 2022, nhận được phản ánh của người dân trên điạ bàn, huyện Sơn Động đã kiểm tra và lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính cũng như yêu cầu hoàn nguyên hiện trạng ban đầu, tuy nhiên đến tháng 7 năm nay đoàn kiểm tra vẫn phát hiện và tiếp tục lập biên bản với một số xưởng sản xuất hoạt động trái phép trên địa bàn.

          Thứ ba, tại xã Dương Hưu các hộ dân, chủ cơ sở, xưởng chế biến gỗ đã tồn tại từ những năm 2003-2004 và không phải chuyển mục đích trong cùng thời điểm mà hoạt động tự phát trong thời gian dài để phát triển kinh tế lâm nghiệpNếu dừng ngay các cơ sở chế biến lâm sản đang hoạt động thì sẽ mất đi đầu mối tiêu thụ của sản phẩm gỗ gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân, trồng rừng gắn với chế biến lâm sản là mục tiêu trọng tâm, mũi nhọn trong việc phát triển kinh tế lâm nghiệp của địa phương; là nguồn thu nhập chính của người dân để xoá đói giảm nghèo góp phần vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở xã Dương Hưu.

          Phát huy hiệu quả từ đất rừng đã và đang là hướng đi đúng được huyện Sơn Động quan tâm chú trọng đầu tư, trở thành phong trào rộng rãi trên địa bàn huyện, làm giàu thêm tài nguyên rừng và phát triển kinh tế của huyện giúp giải bớt gánh nặng về vấn đề giải quyết việc làm và xoá đói giảm nghèo cho địa phương. Cùng với diện tích rừng tự nhiên, rừng cây do người dân trồng đã góp phần không nhỏ vào việc chống xói mòn, giữ gìn hệ sinh thái, cung cấp nguồn lâm sản, cải thiện môi trường sống./.

                 Tin, ảnh: Trần Hà – Thu Phương

                           Nguồn: Báo Người đưa tin

 
 

Nhà khách Kiểm Lâm

Liên kết - Quảng cáo

Thống kê Website

Đang truy cập 2
Hôm nay 947
Tháng hiện tại 18764
Tổng lượt truy cập: 1617057
Địa chỉ IP của bạn: 3.144.123.153

CHI CỤC KIỂM LÂM VÙNG 1

Địa chỉ: Phường Hà Khẩu - TP Hạ Long - Quảng Ninh

Đường dây nóng: 0981197119 - Điện thoại:0203.3846768 - Email: kiemlamvung1@gmail.com

Thiết kế website TECH14 Tech14.vn