YênBái - Tiếp tục chương trình khảo sát tại tỉnh Yên Bái, ngày 2/7, đoàn công tác Hội đồng Dân tộc của Quốc hội do đồng chí Quàng Văn Hương - Phó chủ tịch Hội đồng làm Trưởng đoàn đã khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giao đất, giao rừng, bảo vệ, phát triển rừng gắn với tạo sinh kế, ổn định, nâng cao đời sống cộng đồng dân cư và hộ gia đình giai đoạn 2019 - 2023 tại 2 huyện Văn Chấn và Trấn Yên.
Đoàn đã đi khảo sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về giao đất, giao rừng, bảo vệ, phát triển rừng giai đoạn 2019-2023 trên địa bàn huyện Trấn Yên. Đây là địa phương có tiềm năng và lợi thế về phát triển sản xuất lâm nghiệp gồm có vùng quế, vùng tre măng Bát Độ, vùng gỗ nguyên liệu.
Nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thực hiện các dự án liên kết trồng tre Bát Độ lấy măng, thu nhập bình quân 50-60 triệu đồng/ha/năm; dự án liên kết sản xuất quế hữu cơ làm tăng giá trị các sản phẩm từ quế, trung bình thu nhập từ 800 triệu đồng đến 1,2 tỉ đồng/ha; mô hình dự án sản xuất cây dược liệu lá khôi hàng năm cho thu nhập trung bình 150 triệu đồng/ha.
Huyện đã vận dụng linh hoạt, hiệu quả chính sách khoanh nuôi, bảo vệ bảo vệ rừng gắn với sinh kế của đồng bào DTTS, mở ra hướng đi mới, vừa góp phần vào việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng vừa hạn chế tình trạng phá rừng làm nương rẫy vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Đoàn công tác Hội đồng Dân tộc của Quốc hội thăm, kiểm tra mô hình trồng tre măng Bát Độ của gia đình anh Sổng A Dũng, thôn Khuôn Bổ, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên
Trước đó, tại huyện Văn Chấn, đoàn công tác đã đi khảo sát tại xã Nậm Búng và làm việc với chính quyền địa phương về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giao đất, giao rừng, bảo vệ, phát triển rừng gắn với tạo sinh kế, ổn định, nâng cao đời sống cộng đồng dân cư và hộ gia đình giai đoạn 2019 – 2023.
Huyện Văn Chấn có diện tích đất rừng tự nhiên trên 112 nghìn ha, diện tích có rừng 66,50 nghìn ha; tỷ lệ che phủ rừng đạt 58,9%. Trên địa bàn huyện có 18 dân tộc anh em cùng sinh sống, đồng bào DTTS chiếm 74,8% tổng dân số cả huyện.
Trong những năm qua, việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS luôn được cấp ủy, chính quyền huyện Văn Chấn quan tâm chỉ đạo sát sao, trong giai đoạn 2019-2023 không có hộ đồng bào DTTS nào thiếu đất ở. Huyện đã hỗ trợ mua công cụ, máy móc cho 280 hộ gia đình đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất để chuyển đổi nghề; trong năm 2024, huyện tiếp tục rà soát với số hỗ trợ khoảng 100 hộ.
Công tác thực hiện chính sách, pháp luật về giao đất, giao rừng, bảo vệ, phát triển rừng gắn với tạo sinh kế ổn định, nâng cao đời sống cộng đồng dân cư và hộ gia đình ở vùng DTTS và miền núi luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát và đầu tư, hỗ trợ của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. Các biện pháp cấp bách trong công tác bảo vệ rừng, chống chặt phá rừng đã được triển khai quyết liệt, có hiệu quả; hệ thống pháp luật về lâm nghiệp ngày càng hoàn thiện, phù hợp với thực tiễn.
Các chương trình, nghị quyết, đề án được đầu tư và triển khai có hiệu quả trên địa bàn như: chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, phát triển trồng rừng sản xuất, dự án liên kết theo chuỗi giá trị trồng tre măng Bát Độ… cũng đã tác động tích cực, góp phần tăng độ che phủ rừng, nâng cao ý thức của người dân, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Tại các buổi làm việc, lãnh đạo huyện Trấn Yên, Văn Chấn đề nghị đoàn khảo sát xem xét việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu và sử dụng rừng nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân về đất đai theo quy định của pháp luật; xây dựng chính sách đặc thù trong giao rừng, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp cho đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa; ban hành quy định thống nhất việc quản lý đất và quản lý rừng tự nhiên sau khi giao; thống nhất các tiêu chí phân loại rừng và đất đai và thống nhất quy định về trình tự thủ tục để lập hồ sơ gắn giao rừng, cho thuê rừng với giao đất, cho thuê đất...
Qua khảo sát thực tế mô hình phát triển kinh tế rừng trên địa bàn xã Nậm Búng, huyện Văn Chấn và xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Quàng Văn Hương đánh giá cao hai địa phương trong thực hiện chế độ chính sách, pháp luật về giao đất, giao rừng, bảo vệ và phát triển rừng gắn với tạo sinh kế ổn định, nâng cao đời sống cộng đồng dân cư và hộ gia đình giai đoạn 2019 – 2023.
Đồng chí cũng đề nghị các địa phương làm tốt công tác phát triển kinh tế rừng gắn với bảo vệ môi trường, làm tốt công tác quản lý rừng bền vững gắn với du lịch; địa phương cần tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong phát triển, bảo vệ rừng và việc thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng cho nhân dân…
Những ý kiến, kiến nghị, đoàn khảo sát Hội đồng Dân tộc của Quốc hội sẽ tiếp thu và đề xuất các cơ quan Trung ương xem xét, giải quyết kịp thời, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân, tạo được sinh kế bền vững để người dân gắn bó với rừng và bảo vệ rừng một cách bền vững.
Trước đó, đoàn công tác Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cũng đã khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giao đất, giao rừng, bảo vệ, phát triển rừng gắn với tạo sinh kế, ổn định, nâng cao đời sống cộng đồng dân cư và hộ gia đình giai đoạn 2019-2023 tại 2 xã Nậm Khắt, Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải.
Tin, ảnh: Mạnh Cường
Nguồn: Báo Yên Bái
CHI CỤC KIỂM LÂM VÙNG 1
Địa chỉ: Phường Hà Khẩu - TP Hạ Long - Quảng Ninh
Đường dây nóng: 0981197119 - Điện thoại:0203.3846768 - Email: kiemlamvung1@gmail.com
Thiết kế website TECH14 Tech14.vn