Thực hiện chương trình công tác năm 2024, được sự đồng ý của Cục Kiểm lâm, ngày 22 tháng 11 năm 2024, tại TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng, Chi cục Kiểm lâm Vùng I đã chủ trì tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiệnQuy chế phối hợp giữa Chi cục Kiểm lâm Vùng I với Chi cục Kiểm lâm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Vườn quốc gia khu vực phía Bắc trong quản lý rừng, bảo vệ rừng và thi hành pháp luật về lâm nghiệp năm 2024; phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.
Chủ trì và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Diện, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm, Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Vùng I. Tham dự Hội nghị có 300 đại biểu, đại diện Lãnh đạo Phòng, Đội thuộc Cục Kiểm lâm; Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Vùng I, Vùng II, Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm, các Phòng, Đội, Hạt Kiểm lâm trực thuộc Chi cục Kiểm lâm 18 tỉnh (thành phố), Chi cục Kiểm lâm Vùng I và 08 Vườn quốc gia khu vực phía Bắc.
Đến dự và phát biểu chào mừng Hội nghị có đồng chí Nguyễn Thái Hà Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng.
Hội nghị đã nghe trình bày báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Quy chế phối hợp năm 2024, phương hướng nhiệm vụ năm 2025. Trong đó nhấn mạnh đến những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, đặc biệt là nhận định về nguy cơ tài nguyên rừng bị xâm hại, nguyên nhân và giải pháp để phòng ngừa, đấu tranh, xử lý; Báo cáo cũng đã nêu rõ 06 nội dung phối hợp nổi bật giữa Chi cục Kiểm lâm Vùng I với Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, các Vườn quốc gia khu vực phía Bắc trong năm 2024. Hội nghị cũng đã nghe các báo cáo tham luận và nhiều ý kiến tham gia về kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp phối hợp trong năm 2025. Một số nội dung chính, như sau:
1. Kết quả chung:
Theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phạm vi hoạt động của Chi cục Kiểm lâm Vùng I tại 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, với tổng diện tích tự nhiên là 10,298 triệu ha. Theo kết quả công bố hiện trạng rừng năm 2023, toàn vùng có 5,603 triệu ha diện tích đất có rừng, chiếm 37,71% tổng số diện tích rừng toàn quốc, trong đó có 3,744 triệu ha rừng tự nhiên và 1,859 triệu ha rừng trồng, với gần 600.000 chủ rừng. Độ che phủ rừng toàn vùng bình quân năm 2023 đạt 51,65%, tăng 0,08% so với năm 2022. Trong 10 tháng năm 2024, lực lượng Kiểm lâm lập hồ sơ xử lý 2.082 vụ vi phạm. Số vụ vi phạm pháp luật về Lâm nghiệp giảm 23,40 % so với cùng kỳ năm 2023 (đặc biệt là phá rừng trái pháp luật đã giảm tới 20,74% về số vụ,giảm 41,41% về diện tích rừng bị thiệt hại so với cùng kỳ 2023).
2. Công tác phối hợp giữa Chi cục Kiểm lâm Vùng I với Chi cục Kiểm lâm tỉnh trong quản lý nhà nước và thi hành pháp luật về lâm nghiệp
Công tác quản lý nhà nước và thi hành pháp luật về lâm nghiệp tại các tỉnh phía Bắc đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả; việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp được quan tâm sâu sát của cả Chi cục Kiểm lâm tỉnh và Chi cục Kiểm lâm Vùng I, góp phần ngăn chặn sớm, giảm thiểu thiệt hại về rừng do các hành vi trái pháp luật gây ra, có hiệu ứng lan tỏa tích cực trong phòng ngừa hành vi vi phạm, nhất là phá rừng. Kết quả là số vụ và hậu quả của hành vi vi phạm đều giảm sâu so với cùng kỳ 2023. Tuy nhiên, tình hình phá rừng, cháy rừng vẫn tiềm ẩn nguy cơ rất lớn làm suy giảm chất lượng và diện tích rừng tự nhiên, nhất là hành vi “trồng rừng trong rừng tự nhiên”, mặc dù diễn ra nhỏ lẻ, phân tán, âm thầm nhưng tiềm ẩn rất lớn nguy cơ “rừng trồng hóa rừng tự nhiên”.
Công tác PCCCR đã được quan tâm, tuy nhiên việc chưa tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về PCCCR tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng, rủi ro pháp lý; việc tổ chức chữa cháy rừng còn hạn chế về thiết bị, phương tiện, kỹ năng dẫn đến một số hậu quả nghiêm trọng. Đặc biệt là hậu quả bão số 3 (Yagi) để lại khối lượng vật liệu cháy khổng lồ, tiềm ẩn nguy cơ thảm họa về cháy.
Công tác quản lý rừng đã đi vào nề nếp, tuy nhiên việc chưa tuân thủ đầy đủ quy định về cập nhật diễn biến rừng dẫn đến công tác này gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; việc chuyển loại rừng, trạng thái rừng chưa bảo đảm cơ sở pháp lý gây khó khăn cho công tác quản lý rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng và chỉ tiêu quy hoạch, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro pháp lý.
Công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản, phân loại doanh nghiệp còn chưa được quan tâm đúng mức.
Công tác xử lý vi phạm pháp luật về lâm nghiệp có lúc, có nơi còn hạn chế, một số hành vi vi phạm pháp luật chưa được xử lý nghiêm minh, thậm chí có địa phương chưa xử lý bất kỳ một vụ việc nào đối với hành vi vi phạm đã được pháp luật quy định chế tài xử lý.
Sau 04 năm triển khai Quy chế, sự hợp tác, phối hợp giữa Chi cục Kiểm lâm Vùng I với Chi cục Kiểm lâm các tỉnh đã phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên tất cả các mặt công tác của ngành lâm nghiệp, ở mọi cấp độ bao gồm cả quan hệ giữa các phòng, đội của Chi cục Kiểm lâm Vùng I với các phòng, đội, Hạt Kiểm lâm sở tại trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh luôn được tăng cường, gắn kết chặt chẽ. Mối quan hệ này bảo đảm tính kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả trong hoạt động quản lý và bảo vệ rừng, ngăn chặn và xử lý vi phạm, tạo tiếng nói chung của toàn lực lượng Kiểm lâm đối với cả hệ thống chính trị ở cơ sở, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng, phòng ngừa và xử lý nghiêm vi phạm.Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã thực hiện nghiêm túc và duy trì thường xuyên chế độ báo cáo, việc này không chỉ phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của cấp trên mà còn giúp hạn chế tình trạng thông tin thiếu chính xác, sai lệch từ báo chí và dư luận xã hội. Qua đó, tạo ra môi trường làm việc chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, việc thông tin về cháy rừng giữa các đơn vị trực thuộc Chi cục Kiểm lâm Vùng I với các đơn vị trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh theo nội dung Quy chế còn chưa thường xuyên, chưa kịp thời, gây nhiều khó khăn cho công tác nắm tình hình, phản biện đối với thông tin thiếu chính xác của báo chí, truyền thông, nhất là thiếu thông tin tham mưu Cục Kiểm lâm chỉ đạo, xử lý đối với những vụ cháy rừng được xã hội, báo chí quan tâm.
3. Kết quả phối hợp giữa Chi cục Kiểm lâm Vùng I với các Vườn quốc gia
Mặc dù Quy chế phối hợp mới được các bên triển khai chưa đầy 01 năm (trừ Vườn quốc gia Cát Bà, Hoàng Liên), nhưng các bên đã thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm 06 nội dung và kế hoạch đề ra. Các Vườn quốc gia và Chi cục Kiểm lâm Vùng I đã tích cực hỗ trợ lẫn nhau trong nhiều hoạt động, nhất là công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và cả hệ thống chính trị ở cơ sở về bảo vệ tài nguyên rừng của các Vườn quốc gia; nâng cao trách nhiệm của chủ rừng theo luật định góp phần giảm thiểu tối đa hành vi xâm hại rừng, săn bẫy, bắt chim hoang dã, di cư.
4. Một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2025:
a. Phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm
Dự báo năm 2025, tình hình khí hậu sẽ tiếp tục biến đổi phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ cao về cháy rừng và tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật trên địa bàn các tỉnh phía Bắc vẫn còn diễn biến phức tạp. Để khắc phục những tồn tại và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, bảo đảm hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi bên tham gia Quy chế, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025, như sau:
Thứ nhất: Đề nghị Chi cục Kiểm lâm tỉnh tham mưu thực hiện tốt công tác điều tra rừng, giao rừng; bố trí không gian quy hoạch lâm nghiệp bảo đảm chỉ tiêu quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, hài hòa với quy hoạch tỉnh để sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng.
Thứ hai: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành cấp dự báo cháy rừng và các bảng tra cấp dự báo cháy rừng của tỉnh. Đồng thời, chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với cơ quan Kiểm lâm trong việc tăng cường kiểm tra, điều tra và xử lý nghiêm các đối tượng gây cháy rừng nhằm răn đe và phòng ngừa chung.
Thứ ba: Tăng cường kiểm soát chặt chẽ các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng, đảm bảo tuân thủ đúng quy trình, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Đồng thời, giám sát việc thực hiện nghĩa vụ của các chủ đầu tư dự án, phát hiện và tham mưu xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
Thứ tư: Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý rừng, cập nhật diễn biến rừng, phát hiện sớm mất rừng, cháy rừng và khai thác rừng trái pháp luật.
Thứ năm: Thực hiện việc phối hợp và trao đổi thông tin kịp thời giữa các đơn vị trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh với các đơn vị trực thuộc Chi cục Kiểm lâm Vùng I theo đúng nội dung Quy chế phối hợp để kịp thời xử lý thông tin, không để tạo ra dư luận tiêu cực về công tác bảo vệ rừng, PCCCR và quản lý lâm sản trong xã hội.
Thứ sáu: Tiếp tục phối hợp và hỗ trợ khắc phục những tồn tại, thiếu sót trong công tác theo dõi và cập nhật diễn biến rừng theo quy định của pháp luật.
Thứ báy: Tăng cường việc phối hợp, trao đổi thông tin và nắm bắt địa bàn cơ sở, yêu cầu của thực tiễn để kiến nghị xây dựng và tổ chức thực hiện các quy định pháp luật về lâm nghiệp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Thứ tám: Tiếp tục phối hợp trong tất cả các nội dung đã ký kết với các Vườn quốc gia để quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên rừng quý, hiếm hiện có trên địa bàn do các Vườn quản lý.
b. Giải pháp
Một là: Chi cục Kiểm lâm tỉnh tiếp tục tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo Kết luận số 61-KL/TW ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư.
Hai là: Tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về theo dõi, cập nhật diễn biến rừng; không thực hiện chuyển trạng thái rừng, chức năng rừng, nguồn gốc hình thành rừngkhi chưa xác định rõ nguyên nhân và căn cứ pháp lý.
Ba là: Bằng mọi nguồn lực, khẩn trương tham mưu ban hành cấp dự báo cháy rừng và các bảng tra cấp dự báo cháy rừng của tỉnh; tăng cường các biện pháp PCCCR, quản lý hiệu quả lượng vật liệu cháy tại một số địa phương bị thiệt hại trực tiếp do bão số 3.
Bốn là: Thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản, phân loại doanh nghiệp; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật về xử lý hành chính, hình sự; khắc phục tình trạng một số hành vi vi phạm đã có chế tài xử lý nhưng chưa thực hiện xử lý vi phạm; tập trung xử lý nghiêm hành vi ken cây, tác động vào hệ sinh thái rừng tự nhiên để trồng rừng…
Năm là: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên môn, đôn đốc kết quả xử lý sau kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật.
Sáu là: Chi cục Kiểm lâm tỉnh, các Vườn quốc gia thông tin đúng thời hạn kết quả kiểm tra, xử lý thông tin hoặc kiến nghị của Chi cục Kiểm lâm Vùng I đối với các vụ việc xảy ra trên địa bàn theo đúng nội dung Quy chế phối hợp, để kịp thời tổng hợp, báo cáo Cục Kiểm lâm theo quy định.
Bảy là: Duy trì tốt chế độ trao đổi thông tin thường xuyên, kịp thời giữa Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Vùng I với Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Lãnh đạo Vườn quốc gia; đẩy mạnh quan hệ phối hợp giữa các đơn vị trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trực thuộc Vườn quốc gia với các đơn vị trực thuộc Chi cục Kiểm lâm Vùng I, đảm bảo nhanh chóng xử lý các vụ việc xảy ra trên địa bàn.
Tám là: Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ rừng trên địa bàn các Vườn quốc gia, nơi còn giàu tài nguyên, nơi có nguy cơ rừng bị xâm hại, vùng xâu, vùng xa, điểm nóng về cháy rừng…
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Diện - Phó cục trưởng Cục Kiểm lâmghi nhận và đánh giá cao kết quả công tác phối hợp kịp thời, hiệu quả, giữa Chi cục Kiểm lâm Vùng I với Chi cục Kiểm lâm tỉnh, các Vườn quốc gia trong thời gian qua. Đồng thời, đồng chí Phó cục trưởng đã chia sẽ các thông tin về công tác xây dựng, chỉnh sửa bổ sung các quy định pháp luật và các chính sách của ngành Lâm nghiệp nói chung và của lực lượng Kiểm lâm nói riêng; chỉ đạo các Chi cục, đơn vị bám sát mục tiêu của ngành, duy trì ổn định độ che phủ toàn quốc của rừng 42,02% trở lên; chủ động làm tốt công tác tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền địa phương trong chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ về công tác lâm nghiệp; xử lý, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp; đồng chí Phó Cục trưởng định hướng các nhóm giải pháp chung thực hiện phương hướng nhiệm vụ năm 2025, gồm: thể chế chính sách; công tác tổ chức; khoa học công nghệ; công tác đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ; công tác tài chính kế hoạch; công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật./.
Dưới đây là một số hình ảnh của Hội nghị
Văn nghệ chào mừng Hội nghị
Đ/c Trần Văn Triển - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Vùng I phát biểu và trình bày tóm tắt kết quả thực hiện Quy chế phối hợp tại Hội nghị
Đ/c Nguyễn Thái Hà - Tỉnh ủy viên - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Cao Bằng, phát biểu chào mừng Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị
Lãnh đạo Cục Kiểm lâm, Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Vùng I, Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Cao Bằng đồng chủ trì Hội nghị
Các đại biểu tham luận tại Hội nghị
Đ/c Nguyễn Văn Diện - Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Lãnh đạo Cục Kiểm lâm chứng kiến Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Vùng I, Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm 18 tỉnh (thành phố),
và các Vườn quốc gia khu vực phía Bắc bắt tay đoàn kết thống nhất trong hoạt động phối hợp năm 2025
Người đưa tin: Hoàng Văn Hiển - Phòng QLBVR
CHI CỤC KIỂM LÂM VÙNG 1
Địa chỉ: Phường Hà Khẩu - TP Hạ Long - Quảng Ninh
Đường dây nóng: 0981197119 - Điện thoại:0203.3846768 - Email: kiemlamvung1@gmail.com
Thiết kế website TECH14 Tech14.vn