Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Quy chế phối hợp giữa Chi cục Kiểm lâm Vùng I và Chi cục Kiểm lâm các tỉnh (thành phố), các Vườn quốc gia khu vực phía Bắc trong hoạt động quản lý nhà nước và thi hành pháp luật về lâm nghiệp năm 2023; phương hướng, nhiệm vụ năm 2024

          Thực hiện chương trình công tác năm 2023, được sự đồng ý của Cục Kiểm lâm, ngày 24 tháng 11 năm 2023, tại TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai, Chi cục Kiểm lâm Vùng I đã chủ trì phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Quy chế phối hợp giữa Chi cục Kiểm lâm Vùng I và Chi cục Kiểm lâm các tỉnh (thành phố), các Vườn quốc gia khu vực phía Bắc trong hoạt động quản lý nhà nước và thi hành pháp luật về lâm nghiệp năm 2023; phương hướng, nhiệm vụ năm 2024

          Chủ trì và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Hà Hải Bình, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm, Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Vùng I. Tham dự Hội nghị có 250 đại biểu, đại diện Lãnh đạo Phòng, Đội thuộc Cục Kiểm lâm; Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm, các Phòng, Đội, Hạt Kiểm lâm trực thuộc Chi cục Kiểm lâm 19 tỉnh (thành phố), Chi cục Kiểm lâm Vùng I và các Vườn quốc gia khu vực phía Bắc.

           Đến dự và phát biểu chào mừng Hội nghị có đồng chí Nguyễn Quang Vĩnh Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai.

          Hội nghị đã nghe trình bày báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Quy chế phối hợp năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024. Trong đó nhấn mạnh đến những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, đặc biệt là nhận định về nguy cơ tài nguyên rừng bị xâm hại, nguyên nhân và giải pháp để phòng ngừa, đấu tranh, xử lý; Báo cáo cũng đã nêu rõ 07 nội dung phối hợp nổi bật giữa Chi cục Kiểm lâm Vùng I với Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, các Vườn quốc gia trong năm 2023. Hội nghị cũng đã nghe 06 báo cáo tham luận và nhiều ý kiến tham gia về kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp phối hợp trong năm 2024. Một số nội dung chính, như sau:

          1. Công tác quản lý nhà nước và thi hành pháp luật về lâm nghiệp

          a) Một số kết quả chung

          Công tác quản lý nhà nước và thi hành pháp luật về lâm nghiệp năm 2023 tại các tỉnh phía Bắc được triển khai đồng bộ, hiệu quả; các hành vi vi phạm pháp luật về Lâm nghiệp giảm so với cùng kỳ; công tác phát triển rừng ngày càng được đẩy mạnh.

          Ý thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, các cấp, các ngành, trong công tác quản lý nhà nước và thi hành pháp luật về lâm nghiệp từng bước được nâng cao; đặc biệt là cấp cơ sở, nhiều mô hình QLBVR, PTR gắn với phát triển nông thôn, tạo sinh kế cho người dân sống gần rừng, phụ thuộc vào rừng được nhân rộng, thu hút được sự tham gia của đông đảo người dân đối với công tác bảo vệ rừng.

          b) Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

          * Về tồn tại, hạn chế

          Tình trạng phá rừng trái pháp luật, cháy rừng tăng so với cùng kỳ và tiếp tục còn tiềm ẩn nguy cơ cao về phá rừng; việc kiểm tra, giám sát các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng còn chưa được thường xuyên, tồn tại, thiếu sót; việc sử dụng phần mềm FRMS để cập nhật diễn biến rừng còn nhiều tồn tại, bất cập; hoạt động kiểm tra, truy xuất nguồn gốc lâm sản còn hạn chế...

         Công tác kiểm tra, xác minh, xử lý vi phạm của Chi cục Kiểm lâm tỉnh đối với các vụ việc do Chi cục Kiểm lâm Vùng I phát hiện, cung cấp hoặc kiến nghị sau kết quả kiểm tra ở địa phương đôi lúc còn chậm;

          Việc trao đổi thông tin giữa đơn vị trực thuộc Chi cục Kiểm lâm Vùng I với đơn vị trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh có lúc, có nơi còn chậm, chưa đầy đủ, chưa đáp ứng được yêu cầu nhanh chóng, chính xác theo nội dung Quy chế phối hợp;

          Công tác tập huấn nghiệp vụ còn rất hạn chế, nhất là công tác cập nhật diễn biến rừng, phải thường xuyên thực hiện hỗ trợ từ xa gây quá tải cho công chức kỹ thuật của Chi cục Kiểm lâm Vùng I.

          * Về nguyên nhân

          - Về phá rừng trái pháp luật:

          + Hiệu quả kinh tế từ rừng trồng tăng cao, người dân phá rừng để trồng rừng; tài nguyên đất đai ngày càng thu hẹp do nhu cầu phát triển kinh tế và gia tăng dân số, từ đó đã gây sức ép lên diện tích rừng;

          + Công nghệ xử lý ảnh viễn thám đã được sử dụng rộng rãi trong giám sát tài nguyên rừng, nên các vụ phá rừng được phát hiện, ngăn chặn sớm bởi nhiều cơ quan Kiểm lâm từ cơ sở đến Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Chi cục Kiểm lâm Vùng I, do đó số vụ được phát hiện, xử lý tăng;

          + Việc xác minh, điều tra xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp được tiến hành nhanh chóng, đúng quy trình, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; số vụ vi phạm pháp luật không xác định được chủ thể vi phạm giảm, thể hiện tinh thần quyết tâm xử lý vi phạm của lực lượng thực thi công vụ. Trong 10 tháng năm 2023, lực lượng kiểm lâm trên địa bàn đã xử lý 2.254 vụ, đạt tỷ lệ xử lý trên 88,51%, thu nộp ngân sách 17.927 tỷ đồng, tổng khối lượng lâm sản tịch thu 1.417,889 m3 gỗ các loại.

          - Về cháy rừng:

          + Thời tiết năm 2023 xuất hiện đợt nắng nóng kéo dài, nhiều ngày liên tục có cấp cháy rừng ở mức nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm;

          + Một vụ cháy rừng thường gây thiệt hại lớn hơn nhiều lần so với mức độ thiệt hại của 01 vụ phá rừng, cả về diện tích rừng bị thiệt hại, môi trường, chi phí chữa cháy và khắc phục sau cháy. Tuy nhiên, việc xác minh, điều tra, xử lý sau cháy gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc và thiếu kiên quyết, chưa nghiêm minh. Trong 213 vụ cháy rừng, chỉ có 32 vụ (chỉ chiếm 15 % về số vụ) xác định được đối tượng và xử lý (trong đó: 04 vụ xử lý hình sự; 28 vụ xử lý hành chính), còn lại 181 vụ (tương đương 85 % số vụ) chưa xác định được đối tượng vi phạm, mặc dù có nhiều vụ có thể đã xác lập được đối tượng hiềm nghi, cố ý đốt rừng nhưng lực lượng Kiểm lâm chưa đủ điều kiện về nhân lực, pháp lý để xử lý. Do đó, thiếu tính răn đe, phòng ngừa, người dân còn lơ là, coi thường hành vi sử dụng lửa  rừng, nhất là thời điểm khô hạn trong năm.

          2. Công tác phối hợp giữa Chi cục Kiểm lâm Vùng I với Chi cục Kiểm lâm các tỉnh (thành phố), các Vườn quốc gia

          a) Với Chi cục Kiểm lâm các tỉnh (thành phố)

          Sau 03 năm triển khai Quy chế (giai đoạn 2020 - 2025), sự hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa Chi cục Kiểm lâm Vùng I với các Chi cục Kiểm lâm địa phương ngày càng phát triển toàn diện trên tất cả các mặt công tác của ngành; các giải pháp trọng tâm, có hiệu quả từ cấp Chi cục đến các đơn vị cơ sở, đặc biệt là công tác phối hợp trong chia sẻ thông tin về các điểm nghi biến động rừng tự nhiên, cháy rừng, kiểm tra, truy quét phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật, nhất là hỗ trợ nhau trong hoạt động áp dụng pháp luật.

          Chi cục Kiểm lâm địa phương đã nghiêm túc thực hiện và duy trì thường xuyên chế độ báo cáo, trao đổi đầy đủ thông tin, kịp thời phục vụ chỉ đạo điều hành của cấp trên, hạn chế thông tin thiếu chính xác trên báo chí và dư luận xã hội.

          b) Với các Vườn quốc gia

          Mặc dù hoạt động phối hợp mới được triển khai trong năm đầu tiên, tuy nhiên 02 bên đã nêu cao trách nhiệm, thực hiện đầy đủ nội dung Kế hoạch phối hợp; hỗ trợ lẫn nhau trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và cả hệ thống chính trị ở cơ sở về bảo vệ rừng, PCCCR; phối hợp tuần tra rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp trên địa bàn Vườn; hỗ trợ theo dõi, cập nhật diễn biến rừng... đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực, an ninh rừng trên địa bàn Vườn được bảo đảm.

          3. Một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2024:

          a) Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2024

          Năm 2024, dự báo tình hình khí hậu thời tiết tiếp tục biến đổi phức tạp tiềm ẩn nguy cơ cao gây cháy rừng; tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật trên địa bàn các tỉnh (thành phố) phía Bắc có thể còn diễn biến phức tạp. Để khắc phục tồn tại, nâng cao hiệu quả của công tác phối hợp, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại rừng bất hợp pháp; chúng ta cần tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 như sau:    Thứ nhất: Tham mưu thực hiện tốt công tác rà soát, kiểm kê rừng, giao rừng; quy hoạch lâm nghiệp;

          Thứ hai: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành cấp dự báo cháy rừng và các bảng tra cấp dự báo cháy rừng của tỉnh; chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với lực lượng Kiểm lâm đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm minh các đối tượng gây cháy rừng để răn đe, phòng ngừa chung;

          Thứ ba: Tăng cường kiểm soát chặt chẽ các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng, đảm bảo đúng quy trình, trình tự, thủ tục theo luật định; giám sát việc thực hiện nghĩa vụ đối với các chủ đầu tư dự án; phát hiện, tham mưu, đề xuất xử lý nghiêm các chủ thể có vi phạm trong tham mưu, tổ chức thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác;

          Thứ tư: Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý rừng, cập nhật diễn biến rừng, phát hiện sớm mất rừng, khai thác rừng trái pháp luật,... để ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại rừng, giảm thiểu thiệt hại và bảo đảm xử lý nghiêm minh theo luật định;

          Thứ năm về quản lý lâm sản: Chỉ đạo Cơ quan Kiểm lâm sở tại thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn chủ sơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản trên địa bàn, chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý, truy xuất nguồn gôc lâm sản (lập và lưu giữ đầy đủ hồ sơ lâm sản, Sổ theo dõi nhập xuất lâm sản, chế độ báo cáo… theo đúng quy định). Thực hiện xác nhận lâm sản khai thác, nhập khẩu, mua bán, chuyển giao quyền sở hữu…thuộc trường hợp lâm sản phải xác nhận Bảng kê lâm sản theo quy định; lập sổ theo dõi xác nhận lâm sản; thực hiện nghiêm công tác thống kê gỗ tồn (thuộc trường hợp phải thống kê theo quy định);

          Chỉ đạo Cơ quan Kiểm lâm sở tại, hướng dẫn, yêu cầu chủ rừng, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư có hoạt động khai thác, nhập khẩu, mua bán, chuyển giao quyền sở hữu lâm sản…thực hiện báo cáo trước và sau khi khai thác, gửi Bảng kê lâm sản hoặc xác nhận Bảng kê lâm sản theo quy định; tổng hợp thông tin về tình hình khai thác, nhập xuất lâm sản trên địa bàn quản lý… để thống kê báo cáo đảm bảo kịp thời, đầy đủ, chính xác và đúng thời hạn nội dung thông tin thống kê theo quy định tại Thông tư 12/2019/TT-BNNPTNT ngày 25/10/2019 quy định về thống kê ngành lâm nghiệp.

          Thứ sáu: Phối hợp, trao đổi thông tin kịp thời, nhanh chóng giữa các đơn vị trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh với các đơn vị trực thuộc Chi cục Kiểm lâm Vùng I theo đúng nội dung quy chế phối hợp để kịp thời xử lý, không tạo dư luận tiêu cực trong xã hội, báo chí về công tác bảo vệ rừng, PCCCR và quản lý lâm sản;

          Thứ bảy: Tiếp tục phối hợp, hỗ trợ khắc phục những tồn tại, thiếu sót để thực hiện tốt công tác theo dõi, cập nhật diễn biến rừng theo quy định của pháp luật;

          Thứ tám: Phối hợp, trao đổi thông tin, nắm chắc địa bàn cơ sở, yêu cầu của thực tiễn để kiến nghị xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật về lâm nghiệp đáp ứng yêu cầu thực tiễn, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ;

          Thứ chín: Tiếp tục phối hợp với các Vườn quốc gia trên địa bàn, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm và quản lý có hiệu quả nguồn tài nguyên rừng quý, hiếm hiện còn trên địa bàn Vườn.

          b) Về giải pháp

          Một là: Chi cục Kiểm lâm tỉnh tiếp tục tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo Kết luận số 61-KL/TW ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư;

          Hai là: Phối hợp thực hiện tốt công tác giám sát rừng theo Văn bản số 322/KL-QLR ngày 18/8/2022 của Cục Kiểm lâm về việc tăng cường thực hiện theo dõi diễn biến rừng; tăng cường kiểm tra, hỗ trợ kỹ thuật Kiểm lâm địa phương trong theo dõi, cập nhật diễn biến rừng bảo đảm quy trình, nội dung và thời gian quy định;

          Ba là: Tăng cường chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản;

          Bốn là: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên môn, đôn đốc kết quả xử lý sau kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật;

          Năm là: Duy trì tốt chế độ trao đổi thông tin thường xuyên, kịp thời giữa Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Vùng I với Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh; đẩy mạnh quan hệ phối hợp giữa các đơn vị trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh với các đơn vị trực thuộc Chi cục Kiểm lâm Vùng I, đảm bảo nhanh chóng xử lý các vụ việc xảy ra trên địa bàn;

          Sáu là: Chi cục Kiểm lâm các tỉnh triển khai thực hiện, thông tin đúng thời hạn kết quả kiểm tra, xử lý thông tin hoặc kiến nghị của Chi cục Kiểm lâm Vùng I đối với các vụ việc xảy ra trên địa bàn theo đúng nội dung Quy chế phối hợp, để kịp thời tổng hợp, báo cáo Cục Kiểm lâm theo đúng quy định;

          Bảy là: Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ rừng trên địa bàn các Vườn quốc gia, nơi còn giàu tài nguyên, nơi có nguy cơ rừng bị xâm hại, vùng xâu, vùng xa, điểm nóng về cháy rừng…;

          Tám là: Phối hợp chặt chẽ trong nghiên cứu đề xuất xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về lâm nghiệp; rà soát về nhu cầu đào tạo, tập huấn; đề xuất nguồn kinh phí tổ chức tập huấn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công tác...

          Thay mặt Lãnh đạo Cục Kiểm lâm, đồng chí Hà Hải Bình- Phó Cục trưởng  đã ghi nhận và đánh giá cao kết quả phối hợp giữa các đơn vị trong thời gian qua, đồng thời, có những ý kiến phát biểu chỉ đạo đối với công tác phối hợp nói riêng và triển khai công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản và thi hành pháp luật về Lâm nghiệp năn 2024. Với mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng Kiểm lâm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần phát triển bền vững tài nguyên rừng và chế biến thương mại lâm sản.

Dưới đây là một số hình ảnh của Hội nghị

 
 

Văn nghệ chào mừng Hội nghị

 

Toàn cảnh Hội nghị

Đ/C Trần Văn Triển – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Vùng I phát biểu tại Hội nghị

Đ/C Nguyễn Quang Vĩnh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai, phát biểu chào mừng Hội nghị

 

Đại diện Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm phát biểu tham luận

 

Đ/c Hà Hải Bình – Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm Việt Nam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

 
 

Lãnh đạo Cục Kiểm lâm chứng kiến Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Vùng I, Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm 19 tỉnh (thành phố) và

các Vườn quốc gia khu vực phía Bắc bắt tay đoàn kết thống nhất trong hoạt động phối hợp năm 2024

                                  Tin bài: Phòng Quản lý bảo vệ rừng – Chi cục kiểm lâm Vùng I

 
 

Nhà khách Kiểm Lâm

Liên kết - Quảng cáo

Thống kê Website

Đang truy cập 7
Hôm nay 627
Tháng hiện tại 24636
Tổng lượt truy cập: 1553869
Địa chỉ IP của bạn: 3.19.56.45

CHI CỤC KIỂM LÂM VÙNG 1

Địa chỉ: Phường Hà Khẩu - TP Hạ Long - Quảng Ninh

Đường dây nóng: 0981197119 - Điện thoại:0203.3846768 - Email: kiemlamvung1@gmail.com

Thiết kế website TECH14 Tech14.vn