Cán bộ kiểm lâm địa bàn và Ban quản lý bản Nà Pản, xã Chiềng Đông tuần tra bảo vệ rừng.
Ông Dương Hồng Hải, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện, cho biết: Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở. Qua đó, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng và phát triển lâm nghiệp bền vững được quán triệt, triển khai kịp thời, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và tạo được sự đồng thuận của nhân dân. Chất lượng rừng từng bước được nâng lên, nhân dân có thu nhập thêm từ nghề rừng; các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng được phát hiện và xử lý kịp thời.
Từ đầu năm đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ, biện pháp quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và quản lý lâm sản. Đồng thời, kiện toàn 15 Ban chỉ huy PCCCR cấp xã; xây dựng, củng cố 126 tổ, đội quần chúng bảo vệ, PCCCR các bản, với 1.917 thành viên là ĐVTN và dân quân tham gia, bảo đảm chủ động xử lý kịp thời các tình huống cháy rừng xảy ra ngay tại cơ sở theo phương châm 4 tại chỗ. Chỉ đạo kiểm lâm địa bàn tham mưu cho UBND các xã tăng cường quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp; tổ chức kiểm tra, đôn đốc các bản, cộng đồng dân cư, chủ rừng thực hiện tốt công tác bảo vệ, PCCCR; phối hợp tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.
Bên cạnh đó, Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp với chính quyền cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng trong nhân dân. Tính riêng 6 tháng qua, đã phối hợp tổ chức 186 hội nghị tại các xã, bản, với trên 12.000 lượt người tham gia. Tổ chức ký cam kết công tác bảo vệ và PCCCR giữa 153 trưởng bản với Chủ tịch UBND các xã và giữa 12.894 hộ gia đình với các trưởng bản.
Anh Nguyễn Ngọc Quang, kiểm lâm phụ trách địa bàn xã Chiềng Đông và Chiềng Sàng, chia sẻ: Hiện nay, trên địa bàn 2 xã còn hơn 3.800 ha rừng. Thực hiện chủ trương về chuyển đổi cơ cấu cây trồng; đặc biệt là việc vận động nhân dân giảm diện tích cây lương thực ngắn ngày trên nương chuyển sang trồng cây ăn quả và trồng rừng sản xuất, gắn với triển khai thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, đã giúp bà con từng bước có thu nhập ổn định. Những năm gần đây, trên địa bàn 2 xã không còn tình trạng phá rừng làm nương và khai thác lâm sản trái phép, nhiều diện tích rừng trồng được chăm sóc tốt, mang lại hiệu quả kinh tế từ nghề rừng.
Năm 2024, huyện Yên Châu có 36.780 ha rừng đủ điều kiện chi trả dịch vụ môi trường rừng, với tổng số tiền gần 11,5 tỷ đồng, Hạt Kiểm lâm huyện đã phối hợp với Chi nhánh quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Mai Sơn - Yên Châu và chính quyền các xã kiểm tra, rà soát quá trình chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho các chủ rừng là cộng đồng, nhóm hộ, cá nhân, đảm bảo nhân dân được hưởng lợi đúng theo quy định của pháp luật.
Bản Nà Pản, xã Chiềng Đông, có 1.262 ha rừng; trong đó, 241 ha được giao cho chủ rừng là cộng đồng bản, còn lại giao cho 184 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân quản lý. Đây là một trong những bản thực hiện tốt công tác bảo vệ và PCCCR, trung bình mỗi năm, chủ rừng là cộng đồng bản được chi trả khoảng 75 triệu đồng dịch vụ môi trường rừng. Dẫn chúng tôi vào khu rừng già còn rất nhiều cây to, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Lò Văn Đại chia sẻ: Bản có 297 hộ đồng bào dân tộc Thái, sản xuất của bà con chủ yếu là lúa ruộng, trồng mía nguyên liệu và trồng ngô trên nương. Mặc dù quản lý diện tích rừng lớn, tỷ lệ hộ nghèo còn gần 35%, nhưng bà con rất có ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng. Từ nhiều năm nay, ở bản không có tình trạng phá rừng làm nương và khai thác lâm sản trái phép. Hằng năm, bản trích tiền dịch vụ môi trường rừng xây dựng mương thủy lợi, tu sửa nhà văn hóa, xây kè chống lũ, đổ sân bê tông điểm trường tiểu học và mầm non, giúp bà con trong bản yên tâm sản xuất.
Công tác phát triển rừng được quan tâm, Hạt Kiểm lâm huyện đã hướng dẫn các chủ rừng lập phương án khai thác rừng sản xuất và thực hiện cam kết trồng lại rừng sau khai thác. Phối hợp với các xã, bản và chủ rừng rà soát, xác định diện tích rừng trồng trong thời gian đầu tư xây dựng cơ bản lâm sinh đủ điều kiện để nghiệm thu chuyển sang chăm sóc, bảo vệ và lập phương án khắc phục đối với những diện tích rừng trồng tỷ lệ cây sống thấp, chưa đảm bảo nghiệm thu để chăm sóc, trồng bổ sung. Từ đầu năm đến nay, đã trồng dặm bổ sung gần 22.000 cây vào diện tích rừng trồng năm 2022 tại các xã Sặp Vạt, Tú Nang, Chiềng Tương và Lóng Phiêng và trồng hàng nghìn cây phân tán các loại.
Ông Dương Hồng Hải, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện, cho biết thêm: Đơn vị đang tiếp tục kiểm tra, khảo sát, cập nhật diễn biến tài nguyên rừng; tập trung bảo vệ nghiêm ngặt các khu rừng trọng điểm, rừng phòng hộ xung yếu và tham mưu cho huyện chỉ đạo, triển khai phương án, kế hoạch thực hiện chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn.
Bài, ảnh: Ngọc Thuấn
Nguồn; Báo Sơn La