(BLC) - Để bảo vệ màu xanh của những cánh rừng đại ngàn, những năm qua, cấp ủy chính quyền và nhân dân xã Dào San, huyện Phong Thổ triển khai nhiều giải pháp bảo vệ, phát triển rừng, phối hợp với lực lượng kiểm lâm trong việc tuần tra, kiểm soát kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vụ xâm hại rừng. Nhờ vậy, hạn chế được các vụ cháy rừng, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng.
Cùng cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Dào San tham gia buổi tuyên truyền tại bản Dền Thàng B, dù bận nhiều công việc nhưng bà con đến rất đông. Trong quá trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân, ngoài tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia thì vấn đề bảo vệ rừng cũng được xác định là điểm nhấn để tuyên truyền đến bà con. Bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng các cán bộ chiến sỹ của đồn đã vận động bà con không lấn chiếm đất rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép, phòng chống cháy rừng. Qua đó, giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng, giảm tình trạng phá rừng, bản còn thành lập tổ chuyên trách bảo vệ rừng với sự tham gia của các hộ dân trong bản.
Xác định công tác bảo vệ rừng cần có sự chung tay của cả cộng đồng, hằng năm xã Dào San ban hành kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể của xã phối hợp với lực lượng vũ trang như Công an, Đồn Biên phòng Dào San, Kiểm lâm địa bàn tổ chức các cuộc họp bản tuyên truyền tới nhân dân Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, không phá rừng, không săn bắt động vật quý hiếm. Kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy rừng (Ban Chỉ đạo), các tổ chuyên trách bảo vệ rừng, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên trong Ban Chỉ đạo phụ trách các thôn bản. Thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, các bản tin dự báo, cảnh báo cấp độ nguy cơ cháy rừng ở từng khu vực để người dân biết và chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa.
Lực lượng Kiểm lâm huyện Phong Thổ tuyên truyền người dân xã Dào San nâng cao ý thức bảo vệ rừng.
Đến nay, bà con ở 13 bản trong xã đều thành lập tổ chuyên trách bảo vệ rừng, bản đông dân cư còn có từ 2 tổ chuyên trách bảo vệ rừng. Các thành viên trong tổ thường xuyên tuần tra, kiểm tra rừng, từ đó thông tin báo cáo kịp thời tình hình cho Ban Chỉ đạo xã biết. Đồng thời, xây dựng lịch trực, tuần tra canh gác rừng 24/24 giờ trong thời gian cao điểm quyết tâm không để xảy ra cháy rừng. Đặc biệt, các bản ở xã Dào San vẫn duy trì hương ước giữ rừng, một năm thực hiện mở cửa rừng 2 lần cho nhân dân vào rừng nhặt củi khô, những cành cây bị gió làm đổ, sâu đục. Việc lấy củi phải tuân theo quy ước, hương ước của từng bản đề ra, nếu trường hợp cá nhân nào vi phạm sẽ xử phạt theo đúng quy định. Đây được xem như một "bộ luật" riêng, nhằm bảo vệ những cánh rừng đầu nguồn, những cánh rừng cổ thụ nơi biên giới quốc gia.
Với tổng diện tích rừng hiện có 2719,67ha, tỷ lệ che phủ rừng 38,04%, mỗi năm xã Dào San được chi trả hơn 1 tỷ đồng từ tiền dịch vụ môi trường rừng, các hộ dân nhận khoán quản lý và bảo vệ rừng đã cam kết bảo vệ tốt diện tích rừng trong khu vực được giao khoán. Từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng nhận được, các hộ gia đình có thêm thu nhập để cải thiện cuộc sống, một số hộ đầu tư phát triển kinh tế gia đình hiệu quả; còn cộng đồng dân cư có nguồn kinh phí để xây dựng, sửa chữa đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa thôn, bản.
Nhân dân xã Dào San, huyện Phong Thổ phối hợp với lực lượng kiểm lâm địa bàn phát dọn thực bì phòng cháy chữa cháy rừng.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Phàng Thị Sua, bản Sin Chải cho biết: Từ việc tham gia giữ rừng, hằng năm gia đình tôi có thêm thu nhập từ tiền dịch vụ môi trường rừng. Số tiền này rất quý, giúp chúng tôi có thêm vốn đầu tư mua cây, con giống để phát triển kinh tế gia đình. Chăm sóc, bảo vệ rừng mang lại nhiều lợi ích nên khi phát hiện các đối tượng xâm hại, lấn chiếm rừng bà con trong bản đều báo với chính quyền và cán bộ kiểm lâm để xử lý, ngăn chặn ngay.
Để rừng thêm xanh, nâng cao tỷ lệ độ che phủ rừng, thời gian tới xã Dào San tiếp tục triển khai quyết liệt hơn nữa các giải pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về rừng, nỗ lực nâng cao chất lượng rừng phòng hộ, đẩy mạnh công tác trồng rừng. Qua đó, góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Tin, ảnh: Hà Tĩnh
Nguồn: Báo Lai Châu