Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lào Cai vừa ký văn bản số 2771/ UBND-NLN yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ngành, đơn vị liên quan tiếp tục tăng cường chỉ đạo, thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền và tổ chức thực hiện tốt pháp luật về lâm nghiệp, nâng cao nhận thức của Nhân dân đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng bằng các kế hoạch, hội thảo, cuộc họp, tập huấn cụ thể; phát huy tinh thần đoàn kết, tố giác, lên án những tổ chức, cá nhân có hành vi phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật, lấn chiếm đất rừng.
Tập trung chỉ đạo, sớm hoàn thành các nhiệm vụ của Đề án tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh trên địa bàn tỉnh Lào Cai theo kế hoạch đề ra.
Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và lực lượng chức năng phối hợp với lực lượng kiểm lâm và đơn vị chủ rừng tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra rừng, phát hiện ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác rừng trái pháp luật. Tổ chức rà soát, kiểm tra, đánh giá diện tích rừng tự nhiên bị phá chuyển sang trồng rừng kinh tế trên địa bàn quản lý, nhất là tại các ban quản lý rừng phòng hộ, công ty lâm nghiệp, diện tích do UBND cấp xã quản lý và diện tích rừng tự nhiên đã giao cho hộ gia đình, cá nhân.
Lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, bảo vệ rừng.
Ngăn chặn kịp thời tình trạng phá rừng lấy đất sản xuất; xử lý, kiên quyết thu hồi diện tích đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm; giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất rừng. Kiên quyết xử lý, kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu UBND cấp xã, chủ rừng, cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan chưa thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật, lấn chiếm đất rừng trên địa bàn quản lý nhưng không có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra vi phạm trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở địa phương.
Chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc công tác quản lý, theo dõi hiện trạng, diễn biến rừng; xây dựng, cập nhật kịp thời cơ sở dữ liệu về tài nguyên rừng; tổ chức thực hiện điều tra rừng, xác định hiện trạng diện tích, trữ lượng rừng, trữ lượng các bon rừng để quản lý rừng bền vững, nhằm phát huy giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp.
Các đơn vị chủ rừng phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị chức năng tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; tổ chức tuần tra, kiểm tra để phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng, tăng cường lực lượng về cơ sở, đặc biệt là những điểm nóng thường xuyên xảy ra cháy rừng, chặt phá, khai thác và lấn chiếm đất rừng trái pháp luật. Đồng thời, xử lý hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm đối với công chức, viên chức, người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, để xảy ra tình trạng phá rừng trái pháp luật trên địa bàn phụ trách.
Bảo vệ rừng là trách nhiệm của toàn dân.
Triển khai thực hiện đồng bộ các chương trình, đề án, cơ chế, chính sách về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng của Trung ương, địa phương để nâng cao chất lượng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên, phát huy chức năng của từng loại rừng và giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng (trong đó có giá trị hấp thụ, lưu giữ các bon), nhằm nâng cao giá trị kinh tế, tạo ra nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng.
Quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư, hỗ trợ đầu tư, nguồn vốn xã hội hóa, lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án, đề án khác giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo để thực hiện thành công Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cần nâng cao thu nhập và cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng.
Công an tỉnh chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, công an các địa phương phối hợp với lực lượng kiểm lâm, quân đội và chính quyền địa phương tiến hành các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác, hủy hoại rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép, các đường dây khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản, mua bán đất rừng trái phép theo quy định của pháp luật.
Các đơn vị chủ rừng nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, cơ quan chức năng thực hiện có hiệu quả các biện pháp bảo vệ rừng tại gốc, giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất lâm nghiệp trong diện tích được giao quản lý, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng ngay từ khi mới phát sinh. Thực hiện đúng quy định của Nhà nước về giao khoán bảo vệ rừng, thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các cộng đồng, hộ, nhóm hộ nhận khoán bảo vệ rừng thực hiện tốt cam kết bảo vệ rừng, quy định của pháp luật về lâm nghiệp có liên quan, chịu trách nhiệm trực tiếp nếu để xảy ra mất rừng, lấn chiếm đất rừng đối với diện tích được giao, được thuê.
Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền đến hội viên, đoàn viên, các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; chủ động tham gia tố giác, ngăn chặn các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác, vận chuyển tiêu thụ lâm sản, săn bắt, bẫy, kinh doanh, vận chuyển và tiêu thụ động vật hoang dã trái pháp luật.
Tin, ảnh: Đinh Viết Vinh
Nguồn: Báo Lào Cai