Mô hình trồng rừng gỗ lớn thâm canh theo hướng quản lý rừng bền vững phục vụ chế biến và xuất khẩu do
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trường Đại học Lâm nghiệp triển khai với quy mô 25ha. Ảnh: Đào Thanh.
Mô hình trồng rừng gỗ lớn thâm canh theo hướng quản lý rừng bền vững phục vụ chế biến và xuất khẩu do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trường Đại học Lâm nghiệp triển khai từ năm 2022 với quy mô 25ha. Đến nay mô hình đã có 11 hộ dân tại 2 xã Trung Sơn, Đạo Viện của huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang tham gia. Các hộ tham gia được cung cấp cây giống, phân bón theo đúng dự toán đã được phê duyệt về số lượng và chất lượng.
Trong quá trình triển khai trồng, chăm sóc, do trồng trên đất đã trải qua nhiều lần trồng keo nên một số cây bị lây bệnh chết héo do nấm Ceratocystis manginecans. Tuy nhiên, dự án đã tổ chức hướng dẫn người dân các biện pháp chặt bỏ cây chết, phun thuốc nấm Trichodema kết hợp với Ridomil Gold kịp thời nên không bị lây lan.
Gia đình bà Đinh Thị Nhị, xã Trung Sơn, huyện Yên Sơn tham gia mô hình với diện tích 3,2ha; bà nhận hơn 5.800 cây giống cùng hơn 1.000kg phân NPK. Bà Nhị cho biết, giống keo của mô hình là giống giống cây keo lai mô đã được Bộ NN-PTNT công nhận, với các dòng AH1, AH7, BV16. Sau gần 2 năm trồng, đến nay vườn keo của gia đình bà Nhị phát triển khá tốt, đường kính gốc đạt trung bình từ 6-7cm, chiều cao bình quân từ 6-7m.
Cũng theo bà Nhị, khi tham gia mô hình các hộ gia đình như bà hiểu thêm các kiến thức về trồng, chăm sóc cây keo gắn với bảo vệ môi trường, không sử dụng thuốc diệt cỏ để rừng phát triển bền vững và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đi châu Âu.
Mô hình trồng rừng gỗ lớn thâm canh theo hướng quản lý rừng bền vững được nhân rộng sẽ là cơ sở để khai thác tốt điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội của người dân tại tỉnh Tuyên Quang; tạo ra hàng hóa lâm sản có tính cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Sau gần 2 năm trồng, đến nay vườn keo của các hộ gia đình phát triển khá tốt,
đường kính gốc đạt trung bình từ 6-7cm, chiều cao bình quân từ 6-7m. Ảnh: Đào Thanh.
Những hộ dân tham gia mô hình đều được huấn về kỹ thuật xử lý thực bì, cuốc hố, trồng và chăm sóc cây đảm bảo kỹ thuật để cây sinh trưởng phát triển tốt.
Đội ngũ cán bộ, chuyên gia sâu sát trong việc kiểm tra điều kiện về lập địa thích hợp với loài keo lai; hướng dẫn người dân phát dọn thực bì hạn chế đốt cục bộ cố gắng giữ lại càng nhiều vật chất hữu cơ càng tốt.
PGS.TS Nguyễn Minh Thanh, giảng viên cao cấp Trường Đại học Lâm nghiệp cho biết, trong quá trình thực hiện mô hình, chủ nhiệm dự án và chính quyền địa phương cùng người dân thường xuyên phối hợp để tiến hành các cuộc họp thảo luận về mục đích, trách nhiệm của các bên tham gia; tập huấn chuyển giao kỹ thuật, đôn đốc hướng dẫn các hộ thực hiện những hoạt động theo kế hoạch (xử lý thực bì, đào hố, bón lót, trồng cây, chăm sóc....). So với mô hình trồng đại trà thì mô hình này cây sinh trưởng, phát triển cao hơn từ 1,2 đến 1,5 lần.
Trường Đại học Lâm nghiệp cũng thành lập nhóm thực hiện dự án, hỗ trợ chủ nhiệm dự án thực hiện đầy đủ các hạng mục từ lựa chọn nhà thầu, đấu thầu, ký hợp đồng, kiểm tra chất lượng cây giống, phân bón theo đúng số lượng và chất lượng dự án được phê duyệt; tổ chức kiểm tra hiện trường, hồ sơ hàng năm theo đúng quy định.
Mô hình trồng rừng gỗ lớn thâm canh bằng cây keo mô tại tỉnh Tuyên Quang không những đưa lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ gia đình mà còn đóng góp rất lớn về hiệu quả môi trường. Trồng với mật độ hợp lý, chăm sóc đúng kỹ thuật sẽ hạn chế xói mòn và bảo vệ nguồn nước.
Từ kết quả tích cực của 25ha được triển khai trong năm 2022, năm 2024, Trung Tâm Khuyến nông Quốc gia, Trường Đại học Lâm nghiệp, Sở NN-PTNT Tuyên Quang tiếp tục lựa chọn địa điểm, chọn hộ gia đình thực hiện dự án với quy mô 15ha. Đến nay, các đơn vị đã lựa chọn được 6 hộ đủ điều kiện trên địa bàn 2 xã Trung Sơn và Đạo Viện, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang để triển khai mô hình, dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 7/2024.
Bạn đang đọc bài viết Trồng rừng gỗ lớn để chế biến và xuất khẩu tại chuyên mục Trồng rừng của Báo Nông Nghiệp Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam xin vui lòng gửi về hòm thư baonongnghiepdientu@gmail.com hoặc số điện thoại, zalo: 0369024447.
Tin, ảnh: Đào Thanh
Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam