Xã Mường Cang có 2.689,37ha rừng (phòng hộ 0,55ha, sản xuất 2.179,00ha); rừng trồng 294,18ha; tỷ lệ che phủ rừng 42%. Năm 2024, xã là một trong những địa phương không để xảy ra cháy rừng. Làm tốt điều này, theo chia sẻ của ông Nguyễn Tự Trọng – Chủ tịch UBND xã Mường Cang, cấp ủy, chính quyền và đoàn thể xã cùng với các tổ chuyên trách quản lý bảo vệ rừng các bản thường xuyên đi tuần tra, canh gác nhằm phát hiện các điểm dễ cháy. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân trong bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng; 100% hộ dân ký cam kết bảo vệ rừng, phòng cháy rừng. Đặc biệt, nhờ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng nên bà con phấn khởi, bảo vệ rừng tốt hơn. Thực hiện chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2023 là 1 tỷ 577 triệu đồng cho 13/13 bản.
Về bản Tà Tổng, xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, chúng tôi thấy những cánh rừng xanh ngút ngàn trải dài như lá “phổi xanh” vừa tạo không khí trong lành và mang đến nhiều nguồn lợi cho người dân. Với trên 5.572,11ha rừng, tỷ lệ che phủ đạt gần 60%. Nhờ bảo vệ, chăm sóc tốt rừng được giao khoán, hằng năm, mỗi hộ dân của bản Tà Tổng được chi trả từ 20 - 25 triệu đồng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Từ đó, đời sống của dân bản ngày càng no ấm, nhiều hộ sắm được tivi, xe máy, thiết bị phục vụ nhu cầu hàng ngày, nhiều hộ có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.
Ông Vàng A Mùa - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Tà Tổng chia sẻ: “Bản có 265 hộ, hơn 1.500 nhân khẩu, chủ yếu dân tộc Mông sinh sống. Trước kia, do người dân chưa nhận thức đúng về công tác quản lý, bảo vệ rừng, vẫn còn thói quen đốt rừng làm nương, lấy gỗ dựng nhà, nhiều cây gỗ to bị chặt dẫn đến lũ ống xảy ra gây thiệt hại mùa màng, nguồn nước bị cạn kiệt, thiếu nước sản xuất; vào mùa khô hay xảy ra cháy rừng...
Ở bản Nậm Dính, xã Tà Tổng công tác bảo vệ rừng được bà con tích cực triển khai, bản thường xuyên họp tuyên truyền về việc giữ rừng để được hưởng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Đồng thời, xây dựng quy ước, hương ước và cùng ký cam kết bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Riêng Tổ chuyên trách quản lý bảo vệ rừng của bản phối hợp kiểm lâm địa bàn vận động, giáo dục bà con thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của nhà nước về bảo vệ rừng. Quản lý giám sát chặt chẽ việc sản xuất nương rẫy của bà con, hướng dẫn phát dọn thực bì, làm đường băng cản lửa không để cháy lan vào rừng.
Mường Tè là huyện có diện tích rừng lớn nhất của tỉnh hiện nay với trên 177.058ha, trong đó rừng tự nhiên hơn 176.800ha, còn lại là rừng trồng thay thế, rừng phòng hộ, rừng sản xuất. Huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương chăm sóc, bảo vệ, tái sinh diện tích rừng hiện có. Thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con giữ rừng để hưởng lợi từ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Từ đó, bổ sung nguồn lực cho phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện.
Hiện nay, toàn tỉnh có tổng diện tích rừng, rừng trồng và diện tích cao su gần 500.000ha. Trong đó, diện tích rừng trồng, rừng trồng chưa thành rừng gần 482.000ha và diện tích cao su gần 13.000ha. Năm 2023, tổng diện tích đất có rừng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng trên toàn tỉnh là 451.479,88ha, tổng số tiền chi trả là 428 tỷ đồng cho 129 đơn vị cung ứng DVMTR. Đơn giá chi trả bình quân đã tăng từ 0,3 triệu đồng/ha năm 2012 lên 0,92 triệu đồng/ha năm 2023. Qua đó, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho hơn 84 nghìn hộ gia đình tham gia nhận khoán bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh, với đơn giá chi trả bình quân của các hộ tham gia nhận khoán bảo vệ rừng trên địa bàn toàn tỉnh là 4,4 triệu đồng/hộ/năm. Mặt khác, việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân về nâng cao ý thức bảo vệ
Năm 2011, số vụ vi phạm bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh là trên 357 vụ, đến nay giảm xuống còn dưới 150 vụ. Điều này góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh từ 35% năm 2004 lên 54% năm 2024, chất lượng rừng, môi trường sinh thái từng bước được cải thiện. Có thể thấy tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng không chỉ giúp người dân nâng cao ý thức trong bảo vệ rừng mà góp phần tăng thu nhập, tạo động lực để người dân gắn bó, bảo vệ rừng, từng bước thay đổi nhận thức về vai trò và tác dụng của rừng, nâng tỷ lệ che phủ rừng và cải thiện môi trường sinh thái.
Tin, ảnh: Hà Tĩnh
Nguồn: Báo Lai Châu