TRANG CHỦ Tin địa phương

14:04 25/09/2024

Tăng cường ứng dụng công nghệ trong quản lý, bảo vệ rừng

Thời gian qua, lực lượng kiểm lâm cũng như các đơn vị quản lý rừng trên địa bàn tỉnh đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng các thiết bị khoa học để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng. Nhờ có tiến bộ của khoa học công nghệ đã giảm đáng kể sức người trong công tác tuần tra, bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR); kịp thời phát hiện, cảnh báo sớm các thay đổi bất thường, cập nhật chính xác những biến động về rừng và đất lâm nghiệp; ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

          ĐBP - Thời gian qua, lực lượng kiểm lâm cũng như các đơn vị quản lý rừng trên địa bàn tỉnh đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng các thiết bị khoa học để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng. Nhờ có tiến bộ của khoa học công nghệ đã giảm đáng kể sức người trong công tác tuần tra, bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR); kịp thời phát hiện, cảnh báo sớm các thay đổi bất thường, cập nhật chính xác những biến động về rừng và đất lâm nghiệp; ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

Viên chức, người lao động của Khu Dữ trữ thiên nhiên Mường Nhé sử dụng thiết bị bay Flycam theo dõi diễn biến rừng trong phạm vi đơn vị quản lý.

          Hiện nay, Ban Quản lý Khu dự trữ thiên nhiên Mường Nhé quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ đa dạng sinh học với diện tích 46.730,51ha trên địa bàn 5 xã: Sín Thầu, Leng Su Sìn, Chung Chải, Mường Nhé và xã Nậm Kè (huyện Mường Nhé). Diện tích rừng lớn, trong khi nhân lực của đơn vị còn hạn chế nên để quản lý và bảo vệ rừng hiệu quả hơn, Ban Quản lý Khu dự trữ thiên nhiên Mường Nhé đã tích cực sử dụng các tiến bộ khoa học như: Ứng dụng bộ công cụ SMART trong giám sát tuần tra và đa dạng sinh học; phần mềm QGIS, sử dụng ảnh vệ tinh miễn phí Planet trên QGIS trong theo dõi diễn biến tài nguyên rừng; ứng dụng vTools for survey trên điện thoại di động trong hỗ trợ điều tra thực địa, theo dõi diễn biến rừng; phần mềm mapinfor trong quản lý bản đồ số, bản đồ hiện trạng rừng, bản đồ...

          Ông Đào Công Tiến, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu Dự trữ thiên nhiên Mường Nhé cho biết: Nhờ áp dụng, sử dụng những phần mềm, ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR, diện tích và chất lượng rừng tại đơn vị được nâng cao, giảm thiểu sức lao động trong quản lý, bảo vệ rừng, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng. Góp phần đánh giá toàn bộ hiện trạng động, thực vật rừng và đa dạng sinh học tại Khu Dữ trữ thiên nhiên Mường Nhé. Ngoài ra còn nâng cao khả năng sử dụng áp dụng các ứng dụng công nghệ của đội ngũ viên chức, người lao động của đơn vị. Khơi dậy khả năng tìm tòi, học hỏi, áp dụng những cái mới, tiên tiến trong thời đại công nghệ 4.0…

Công chức Hạt Kiểm lâm huyện Mường Chà sử dụng các phần mềm quản lý, bảo vệ rừng trên điện thoại thông minh kiểm tra biến động diện tích rừng trên địa bàn.

          Nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR, lực lượng kiểm lâm đã sử dụng công nghệ viễn thám để hỗ trợ theo dõi biến động rừng, cập nhật biến động rừng; tổ chức cài đặt ứng dụng FRMS mobile 4.0 trên trang thiết bị, điện thoại cá nhân của công chức Kiểm lâm phụ trách địa bàn tại 128/128 đơn vị cấp xã có rừng để phục vụ công tác khảo sát các vị trí có biến động tăng, giảm rừng ngoài thực địa. Cùng với đó là sử dụng hiệu quả Hệ thống cảnh báo cháy rừng sớm của Cục Kiểm lâm tại https://watch.pcccr.vn/DiemChay để chủ động kiểm tra, phát hiện các vị trí có nguy cơ cháy rừng; sử dụng ảnh vệ tinh (Planet), google Map... rà soát các điểm nghi ngờ tăng, mất rừng trên địa bàn tỉnh. Đó là cơ sở để Chi cục Kiểm lâm tổng hợp lại và gửi các Hạt Kiểm lâm tổ chức kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời và tổ chức phối hợp kiểm tra. Ngoài ra, việc sử dụng thiết bị bay Flycam theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp cũng hỗ trợ rất nhiều trong công tác quản lý và bảo vệ rừng.

          Ông Hà Lương Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Chi cục Kiểm lâm luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sự phối hợp, tạo điều kiện có hiệu quả giữa các cấp, các ngành, lực lượng chức năng từ cơ sở đến cấp tỉnh, tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cho lực lượng kiểm lâm. Tuy nhiên, biên chế hiện tại của Chi cục quá mỏng; trung bình mỗi công chức kiểm lâm phải tham mưu quản lý trên 3.500ha rừng. Điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến việc thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở. Trong điều kiện lực lượng kiểm lâm mỏng, địa bàn rộng, địa hình giao thông chia cắt, các tiến bộ của khoa học kỹ thuật và thiết bị công nghệ hiện đại đã hỗ trợ rất tích cực trong công tác quản lý và bảo vệ rừng. Đặc biệt là đã góp phần giảm tải khối lượng công việc đáng kể cho lực lượng kiểm lâm, từ đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn. Đến nay, Chi cục đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm các huyện, thị xã, thành phố hoàn thành cập nhật kết quả tại phần mềm cập nhập diễn biến rừng của Cục Kiểm lâm theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018, sửa đổi bổ sung tại Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT ngày 15/12/2023 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Lực lượng kiểm lâm truy cập Hệ thống cảnh báo cháy rừng sớm để chủ động kiểm tra, phát hiện các vị trí có nguy cơ cháy rừng.

          Thông qua các ứng dụng công nghệ và thiết bị hiện đại, 9 tháng đầu năm 2024, cán bộ, công chức kiểm lâm trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 11.885 điểm cháy. Qua đó xác định và cung cấp 119 điểm nghi cháy vào rừng cho Hạt Kiểm lâm các huyện, thị xã, thành phố. Chi cục Kiểm lâm cũng rà soát và cung cấp cho Hạt Kiểm lâm các huyện, thị xã, thành phố 2.918 vị trí nghi xảy ra biến động rừng với tổng diện tích là 6.722ha. Nhờ có sự hỗ trợ của các thiết bị, phần mềm và ứng dụng công nghệ thông tin đã đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác giữ rừng trên địa bàn tỉnh với tỷ lệ che phủ rừng tăng dần theo từng năm. Theo công bố hiện trạng rừng năm 2023, diện tích có rừng trên địa bàn tỉnh là 419.894,26ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 44,01% (tăng 0,47% so với năm 2022, tương đương 4.532,91ha). Từ thực tế đó có thể khẳng định, việc tăng cường ứng dụng công nghệ không chỉ mang lại nhiều chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ hệ sinh thái rừng, mà còn góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại khi có cháy xảy ra và trở thành công cụ đắc lực hỗ trợ cho lực lượng kiểm lâm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giữ màu xanh cho những cánh rừng.

                        Bài, ảnh: Quang Hưng

                               Nguồn: Báo Điện Biên Phủ