TRANG CHỦ Tin địa phương

15:57 21/01/2025

Rừng xanh thêm sinh kế


          Hàng nghìn ha đất trống, đồi trọc đã được phủ xanh, chất lượng rừng, tỷ lệ che phủ được nâng lên, người dân có thêm sinh kế, cùng góp sức tham gia bảo vệ rừng. Đây là thành quả của những nỗ lực, cố gắng của lực lượng kiểm lâm trong công tác bảo vệ, phát triển rừng.

Lực lượng kiểm lâm huyện Sốp Cộp tuần tra bảo vệ rừng đặc dụng - phòng hộ.

          Tiếp chúng tôi trong ngày đầu năm mới 2025, ông Nguyễn Huy Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, phấn khởi thông tin: Năm qua, Chi cục đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố và các Ban quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ, Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La tập trung triển khai hiệu quả chính sách phát triển lâm nghiệp bền vững. Số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm so với năm trước; các chỉ tiêu về khoanh nuôi tái sinh, trồng rừng phòng hộ, rừng sản xuất, tỷ lệ che phủ rừng đều đạt và vượt kế hoạch.

         Đến hết năm 2024, tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh tăng lên 48%, tương đương 677.159 ha và tăng 7.362 ha so với năm 2023. Điều đó đã khẳng định chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo vệ, phát triển rừng đã thực sự đi vào cuộc sống; ý thức chấp hành pháp luật của người dân về bảo vệ, phát triển rừng được nâng lên.

         Điểm quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ về phát triển lâm nghiệp, là đầu năm 2024, tỉnh ta đã công bố kết quả rà soát đất lâm nghiệp theo Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 9/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Sau rà soát, toàn tỉnh có 694.741 ha đất lâm nghiệp tích hợp vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030; gồm 334.100 ha đất rừng phòng hộ, 87.831 ha đất rừng đặc dụng và 272.810 ha đất rừng sản xuất. Đây là điều kiện hết sức quan trọng, giúp tỉnh khắc phục những tồn tại, bất cập trong quy hoạch 3 loại rừng, bảo đảm phù hợp với thực tế của địa phương và quy định của Luật Lâm nghiệp.

         Đồng thời, tạo quỹ đất thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Là cơ sở pháp lý để lực lượng kiểm lâm xây dựng kế hoạch, phương án bảo vệ, phát triển rừng và tham mưu cho tỉnh chỉ đạo công tác giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bảo đảm ổn định, lâu dài cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.

         Từ nguồn vốn chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, lực lượng kiểm lâm đã tham mưu cho chính quyền các cấp chỉ đạo và triển khai kế hoạch quản lý rừng và đất rừng sau rà soát, chuyển đổi đất lâm nghiệp sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất. Tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng với các tổ chức, đơn vị và chủ rừng; triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ nhân dân, vận động bà con tích cực tham gia bảo vệ và phát triển rừng.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm Quỳnh Nhai tuyên truyền Luật Lâm nghiệp tại xã Mường Giôn.

          Năm qua, toàn bộ diện tích rừng trong quy hoạch được bảo vệ nghiêm ngặt, bảo tồn nguồn gen, đa dạng sinh học, phát huy tốt nhất khả năng phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển rừng kinh tế. Trong năm, toàn tỉnh có 559.597 ha rừng đủ điều kiện cung ứng dịch vụ môi trường rừng; Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã chi trả 202 tỷ đồng cho 40.338 chủ rừng. Đây là nguồn tài chính ngoài ngân sách rất lớn, phục vụ trực tiếp công tác bảo vệ và phát triển rừng; góp phần duy trì, củng cố các tổ, đội bảo vệ PCCCR tại cơ sở, huy động lực lượng tại chỗ tham gia tuần tra, thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi phá rừng, lấn chiếm rừng, khai thác lâm sản trái phép.

          Trở lại với huyện Vân Hồ, địa phương có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất tỉnh. Mặc dù bận rộn với công việc cuối năm, nhưng ông Phạm Văn Hóa, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện vẫn dành cho chúng tôi thời gian để thông tin hiểu rõ hơn những nỗ lực của lực lượng kiểm lâm tại cơ sở. Ông Hóa, cho biết: Trong tổng diện tích 56.659 đất quy hoạch lâm nghiệp, có 55.305 ha rừng, gồm 46.215 ha rừng tự nhiên, 4.625 ha rừng trồng và 4.465 ha cây ăn quả thân gỗ, tỷ lệ che phủ rừng đạt gần 57%. Trên cơ sở đất quy hoạch lâm nghiệp đã được phê duyệt, Hạt Kiểm lâm tham mưu cho huyện chỉ đạo các xã thực hiện tốt chủ trương, chính sách về phát triển lâm nghiệp bền vững, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, tạo thêm việc làm, thu nhập ổn định cho hàng nghìn hộ từ nghề rừng. Đặc biệt, việc giữ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, đã góp phần thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch và tạo điều kiện cho hàng trăm hộ tham gia làm du lịch cộng đồng.

          Những điểm sáng trong công tác bảo vệ rừng trên địa bàn các xã, với nhiều cách làm hay, sáng tạo, phát huy chủ thể của người dân được nhân rộng. Điển hình như xã Cà Nàng, một trong những xã có diện tích rừng lớn nhất của huyện Quỳnh Nhai và là điểm sáng trong công tác bảo vệ rừng.

         Bà Hoàng Thị Đoàn, Phó Chủ tịch UBND xã, chia sẻ: Nhiều năm nay, xã phối hợp tốt với Hạt Kiểm lâm huyện thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển rừng. Với 10.664 ha rừng tự nhiên, tỷ lệ che phủ rừng trên 64%. Tính riêng năm 2024, có hơn 7.000 ha rừng đủ điều kiện cung ứng dịch vụ môi trường và được chi trả gần 3,6 tỷ đồng dịch vụ môi trường rừng. Không những thế, nhằm khai thác tối đa lợi ích của rừng mang lại, xã đã xây dựng mô hình và vận động nhân dân trồng hàng trăm ha cây dược liệu dưới tán rừng, tạo việc làm ổn định, mang lại thu nhập hơn 100 triệu đồng/ha sau khi đã trừ đi chi phí.

          Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tăng cường phối hợp với các huyện, thành phố triển khai Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 và Đề án trồng một tỷ cây xanh. Thực hiện tốt chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa phát triển lâm nghiệp, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các chủ rừng, cộng đồng và người dân trong công tác bảo vệ, phát triển. Mặc dù nguồn vốn còn khó khăn, những năm qua, toàn tỉnh đã trồng mới 1.834 ha rừng phòng hộ và rừng sản xuất, chủ yếu từ nguồn vốn của doanh nghiệp và người dân.

          Phấn khởi trước những kết quả đã đạt được, lực lượng kiểm lâm toàn tỉnh tự tin bước vào một năm mới, nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, giữ màu xanh cho những cánh rừng.

                   Tin, ảnh: Ngọc Thuấn

                            Nguồn: Báo Sơn La