TRANG CHỦ Tin địa phương

10:29 22/07/2024

Rõ mốc giới để quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả

Thực hiện Nghị quyết số 249-NQ/TU ngày 1/11/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh, ngành Nông nghiệp đã tổ chức cắm mốc ranh giới giữa các loại đất rừng. Trong đó ưu tiên thực hiện trước tại các khu rừng giáp ranh, dễ bị xâm lấn, thuộc phạm vi ranh giới của Ban Quản lý rừng phòng hộ Cấm Sơn, Ban Quản lý rừng phòng hộ Sơn Động và Ban Quản lý bảo tồn Tây Yên Tử.

          BẮC GIANG - Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, đồng thời hạn chế tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất rừng, hằng năm, ngành Nông nghiệp Bắc Giang thực hiện cắm mốc phân định ranh giới giữa đất rừng của tổ chức, hộ gia đình liền kề với rừng phòng hộ, đặc dụng. 

          Phân định rõ ranh giới

          Thực hiện Nghị quyết số 249-NQ/TU ngày 1/11/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh, ngành Nông nghiệp đã tổ chức cắm mốc ranh giới giữa các loại đất rừng. Trong đó ưu tiên thực hiện trước tại các khu rừng giáp ranh, dễ bị xâm lấn, thuộc phạm vi ranh giới của Ban Quản lý rừng phòng hộ Cấm Sơn, Ban Quản lý rừng phòng hộ Sơn Động và Ban Quản lý bảo tồn Tây Yên Tử.

Hoạt động thi công cắm mốc ranh giới rừng tại khu vực do Ban Quản lý rừng phòng hộ Cấm Sơn quản lý.

          Tại Ban Quản lý bảo tồn Tây Yên Tử, từ năm 2018 đến nay, đơn vị đã cắm được 1.043 mốc ranh giới lâm phận thuộc Khu bảo tồn Tây Yên Tử. Những năm trước, đây là khu vực từng xảy ra một số vụ người dân phát vén, lấn chiếm rừng đặc dụng. Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng Phòng Kỹ thuật tổng hợp Ban Quản lý bảo tồn Tây Yên Tử, việc cắm mốc rừng được thực hiện trên địa bàn các xã: An Lạc, Thanh Luận, thị trấn Tây Yên Tử (Sơn Động) và Lục Sơn (Lục Nam). Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết và thường xuyên tuần tra nên thời gian qua rừng tại Khu bảo tồn Tây Yên Tử cơ bản không còn tình trạng phát vén, lấn chiếm như trước.

          Toàn bộ hồ sơ quản lý rừng đặc dụng đã được xác định vị trí, tọa độ, ranh giới rõ ràng và được 80 hộ dân ký cam kết không phát vén, lấn chiếm. Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả trong công tác tuần tra, xác định ranh giới ngoài thực địa, Ban Quản lý bảo tồn Tây Yên Tử đã sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin tích hợp bản đồ vào điện thoại thông minh, sử dụng flycam, máy GPS giúp thuận lợi hơn trong việc nắm địa bàn, kịp thời phát hiện vi phạm. Ngoài ra, đơn vị tăng cường chỉ đạo các trạm kiểm lâm địa bàn thường xuyên tuần tra, kiểm tra rừng tận gốc nhằm phát hiện và xử lý kịp thời hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng. Tổ chức giao khoán bảo vệ rừng tự nhiên đặc dụng cho các hộ gia đình và cộng đồng dân cư vùng đệm Khu bảo tồn (bình quân 8 nghìn ha/năm).

          Ông Hoàng Tiến Quảng, dân tộc Dao, tổ dân phố Mậu, thị trấn Tây Yên Tử cho biết: “Gia đình tôi có một phần diện tích đất rừng sản xuất giáp ranh với rừng tự nhiên của Khu bảo tồn. Trước đây khi chưa có mốc giới, hoạt động sản xuất của gia đình thường chồng lấn, đan xen với đất rừng tự nhiên nên khó xác định vị trí canh tác. Từ khi có mốc giới giúp tôi nhận biết được khu vực nào được phép canh tác nương rẫy và xác định diện tích rừng không được xâm lấn”.

          Tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Cấm Sơn, đến nay đã cắm 1.422 mốc ranh giới rừng trên địa bàn các xã: Kiên Lao, Cấm Sơn, Tân Sơn, Phong Minh, Sa Lý, Sơn Hải và Phong Vân. Năm 2024, đơn vị dự kiến cắm 300 mốc tại xã Sơn Hải, Phong Vân. Tuy nhiên, còn khoảng 200 mốc tại thôn Suối Chạc, xã Phong Vân chưa thể triển khai do còn vướng mắc về vị trí ranh giới, một số hộ chưa đồng tình. Theo đại diện Ban Quản lý, tại các khu vực đã được cắm mốc ranh giới, việc lấn chiếm, phát phá rừng phòng hộ đã cơ bản không còn.

          Nâng hiệu quả công tác bảo vệ rừng

          Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, việc thi công cắm mốc ranh giới lâm phận các khu vực rừng phòng hộ, đặc dụng phần nào đáp ứng yêu cầu trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, tạo điều kiện cho các ban quản lý rừng sử dụng đất ổn định, phân định ranh giới rõ ràng với đất của tổ chức, hộ gia đình liền kề với rừng phòng hộ, đặc dụng.

          Đồng thời qua đó hạn chế, ngăn ngừa tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất rừng, tiến tới xây dựng và phát triển rừng theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng, trữ lượng và tính đa dạng; cải thiện chức năng phòng hộ, tăng khả năng duy trì, điều tiết nguồn nước, điều hòa khí hậu.

          Ông Hà Minh Quý, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Từ năm 2018 đến nay, các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng trên địa bàn tỉnh đã cắm hơn 3,5 nghìn mốc ranh giới đất rừng được giao trên địa bàn huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam với tổng kinh phí thực hiện hơn 8,8 tỷ đồng. Đồng thời phấn đấu đến năm 2025 sẽ hoàn thành cắm mốc ranh giới trên lâm phận được giao quản lý".

          Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình cắm mốc ngoài thực địa, cơ quan chức năng gặp vướng mắc do một số vị trí mốc nằm trong khu vực đã bị người dân lấn chiếm từ trước, gây khó khăn cho thi công, bảo vệ mốc giới. Vị trí các mốc ranh giới chủ yếu tại nơi có địa hình phức tạp, việc di chuyển mốc và thi công gặp trở ngại, thậm chí có mốc bị người dân tự ý dịch chuyển, phá hủy, lực lượng chức năng phải bố trí người canh phòng, bảo vệ. Ở những vị trí xa, đường khó đi, nhiều hôm lực lượng cắm mốc phải ăn ngủ trên rừng.

          Tình trạng người dân lấn chiếm đất của các ban quản lý rừng, công ty lâm nghiệp từ nhiều năm trước nhưng chưa được giải quyết, xử lý dứt điểm. Trước thực trạng trên, UBND tỉnh vừa chỉ đạo các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế thành lập Ban chỉ đạo để tập trung xử lý dứt điểm tình trạng tranh chấp, lấn chiếm, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chồng chéo, tự ý phá rừng tự nhiên để trồng rừng kinh tế.

          Cùng đó, Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các công ty lâm nghiệp quan tâm thực hiện cắm mốc ranh giới đối với diện tích được giao quản lý. Tiếp tục thực hiện một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp đến người dân như: Bảo vệ, trồng, khoanh nuôi, làm giàu rừng, hỗ trợ kinh phí phát triển sinh kế, cải thiện đời sống người dân vùng đệm của rừng đặc dụng… Đây là những chính sách thiết thực, được chính quyền và nhân dân đồng tình, góp phần nâng cao đời sống cũng như nhận thức của người dân về công tác quản lý, bảo vệ rừng.

                        Bài, ảnh: Nguyễn Hưởng

                               Nguồn: Báo Bắc Giang