Người dân xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, khai thác gỗ rừng trồng theo tiêu chuẩn FSC. Ảnh tư liệu: Hồ Cầu/TTXVN
Hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm từ những mô hình thực tiễn về trồng rừng gỗ lớn, nông lâm kết hợp, phát triển nông lâm nghiệp dựa vào hệ sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và tạo sinh kế bền vững, đồng thời cung cấp các thông tin chính sách, các vấn đề mới liên quan đến quản lý và phát triển rừng, gia tăng giá trị rừng, thị trường, tín chỉ carbon rừng.
Hội thảo thu hút hơn 150 đại biểu đến từ 20 tỉnh, thành phố, đại diện các tổ hợp tác, hợp tác xã, Hội Nông dân các tỉnh, các bộ, ban, ngành, nhà khoa học, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, đối tác, các bên liên quan tham gia.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Trưởng ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Mai Bắc Mỹ khẳng định, thời gian qua, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã được ban hành nhằm giải quyết những thách thức đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, môi trường của đất nước và phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn bền vững.
Việt Nam đang cùng với các quốc gia, cộng đồng quốc tế nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Thập kỷ của Liên hợp quốc về khôi phục hệ sinh thái, Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học… với mục tiêu liên kết, hợp tác giải quyết các thách thức toàn cầu, nỗ lực cùng hành động nhằm xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ mội trường và khí hậu trái đất, bảo đảm cho mọi người ở khắp mọi nơi có cuộc sống an toàn, khỏe mạnh, hạnh phúc và thịnh vượng.
Tính đến cuối năm 2023, Việt Nam có hơn 14,8 triệu hecta rừng, trong đó có gần 10,2 triệu hecta rừng tự nhiên, hơn 4,6 triệu hecta rừng trồng, độ che phủ rừng đạt 42,02% . Hơn 3,1 triệu hecta rừng đã được giao cho các hộ gia đình quản lý, bảo vệ, trồng rừng và phát triển. Khoảng gần 1,5 triệu hộ nông dân đã được giao rừng. Phần lớn các hộ nông dân làm rừng và trang trại gia đình có quy mô nhỏ, có giá trị và thu nhập thấp từ sản xuất nông, lâm nghiệp.
Hội Nông dân Việt Nam với hơn 10,28 triệu hội viên đang sản xuất trong tất cả các lĩnh vực: nông, lâm nghiệp, thủy sản, diêm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn, chiếm hơn 70% số hộ làm nông nghiệp trên cả nước. Hội viên của Hội Nông dân Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Để thực hiện các chính sách phát triển lâm nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, các cấp Hội Nông dân Việt Nam đã và đang phối hợp với các bộ, ngành, chính quyền địa phương, viện khoa học, các chuyên gia, doanh nghiệp và các bên liên quan tổ chức nhiều hoạt động, chương trình, dự án giúp hội viên nông dân phát triển các mô hình kinh tế tập thể, kết hợp trồng rừng, quản lý và phát triển rừng, nông lâm kết hợp, đa dạng sinh học, phát triển nông nghiệp dựa vào hệ sinh thái, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, các cấp Hội Nông dân Việt Nam hướng dẫn, hỗ trợ nông dân thành lập các chi tổ hội nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã để sản xuất, kinh doanh, liên kết sản xuất theo chuỗi, nâng cao giá trị các sản phẩm từ rừng và trang trại, tăng thu nhập và sinh kế bền vững cho các thành viên và cộng đồng sống dựa vào rừng. Từ năm 2015, Hội Nông dân Việt Nam là tổ chức đối tác chính thực hiện Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại (Chương trình FFF) giai đoạn I tại Việt Nam và tiếp tục thực hiện Chương trình FFF giai đoạn II từ 2019 đến nay.
Chương trình đang được thực hiện tại các tỉnh Yên Bái, Bắc Kạn, Hòa Bình, Sơn La, Thái Nguyên với mục tiêu nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh rừng và trang trại, tiếp cận thị trường và tài chính cho các tổ hợp tác, hợp tác xã, áp dụng các biện pháp giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu, tiếp cận các dịch vụ, giá trị văn hóa bản địa. Đồng thời, đào tạo, tăng cường năng lực cho Hội Nông dân các cấp để hoạt động hiệu quả hơn, cung cấp dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ cho hội viên, nông dân, vận động và khai thác các nguồn lực, thúc đẩy thực thi chính sách tốt hơn cho nông dân.
Tính đến nay, Chương trình FFF đang hỗ trợ 51 tổ hợp tác, hợp tác xã ở 5 tỉnh, với hơn 1.000 hộ thành viên chính thức (41,5% nữ, 61,5% người dân tộc, 11,7% thanh niên), gần 2.000 hộ thành viên liên kết, hơn 15.000 nông dân sản xuất nông, lâm nghiệp và cán bộ Hội Nông dân Việt Nam đã và đang được hưởng lợi từ Chương trình.
Thông qua Chương trình FFF, đã có 15 chuỗi sản phẩm được kết nối thị trường, doanh nghiệp; hơn 600 hecta chuyển hóa rừng gỗ lớn và trồng rừng gỗ lớn; hơn 13.000 hecta gỗ có chứng chỉ quản lý bảo vệ rừng; hơn 4.000 hecta sản phẩm quế, hồi, thảo dược, bí xanh thơm, gạo, rau quả, cam, bưởi, gừng… đã được chứng nhận hữu cơ và đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Trong thời gian 2 ngày (21-22/5), các đại biểu tham gia hội thảo được chia sẻ kinh nghiệm về: Tổng quan Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại giai đoạn II; chính sách và chiến lược phát triển trồng rừng gỗ lớn, quản lý rừng bền vững (SFM), đa dạng sinh học thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển rừng trồng gỗ lớn theo chuỗi giá trị - kinh nghiệm từ mô hình của Hợp tác xã Lâm nghiệp Bình Minh; lợi ích và gia tăng giá trị từ trồng rừng gỗ lớn, lưu trữ carbon và các biện pháp đo lường tiềm năng; hỗ trợ kỹ thuật cho các tổ chức nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã về trồng rừng gỗ lớn, nông lâm kết hợp trên cảnh quan rừng và các khuyến nghị.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng chia sẻ thực tiễn về quản lý rừng và đất rừng trong bối cảnh thúc đẩy quản lý và phát triển rừng bền vững, trồng rừng gỗ lớn và gia tăng giá trị từ rừng, nhu cầu thị trường; quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng để thúc đẩy trồng rừng gỗ lớn, tín chỉ, thị trường carbon rừng và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ban Quản lý Chương trình FFF giai đoạn II cũng giới thiệu 25 mô hình đã tài liệu hóa về quản lý và phát triển rừng và trang trại bền vững, nông lâm kết hợp, canh tác hữu cơ và đa dạng sinh học, cách tiếp cận thích ứng dựa vào hệ sinh thái trên cảnh quan rừng.
Đỗ Bình (TTXVN)
Nguồn: Báo Tin tức