Hiện nay có 31 loài đang được nhân nuôi theo các mô hình khác nhau, trong đó: Mô hình bảo tồn các loài rùa gồm 14 loài đại diện từ vùng sinh thái khác nhau. Mô hình bảo tồn các loài bò sát - ếch nhái gồm 11 loài đại diện từ vùng sinh thái khác nhau, nhiều loài bò sát và ếch nhái đã sinh trưởng, sinh sản tốt tại Trạm. Mô hình bảo tồn, cứu hộ các loài linh trưởng của Việt Nam với 6 loài đang được chăm sóc nuôi dưỡng.
Tại đây chăm sóc nhiều cá thể rùa quý hiếm là tang vật của các vụ vi phạm về nuôi nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã.
Trong tổng số 31 loài có 12 loài nằm trong Sách đỏ Việt nam (2007) gồm 1 loài bậc CR (rất nguy cấp), 6 loài bậc EN (nguy cấp), 5 loài bậc VU (sắp nguy cấp) và 7 loài đặc hữu của Việt Nam. Từ năm 2012 đến nay có nhiều loài đã sinh sản trong điều kiện nuôi tại Trạm, con non phát triển tốt như Thằn lằn cá sấu, Thạch sùng mí, Rùa Trung bộ…
Tìm "bạn gái" cho vượn đen má trắng
Theo ông Đặng Nguyên Phương, Trạm trưởng Trạm đa dạng sinh học Mê Linh, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, trong số động vật đang được nhận nuôi bảo tồn tại trạm, có hai cá thể vượn đen má trắng, loài vượn cực kỳ nguy cấp đặc hữu của Đông Nam Á. Nhưng dù nhận nuôi hai cá thể vượn này đã lâu trạm vẫn chưa thể nhân giống do cả hai con vượn này đều là giống đực.
Ông Phương cho biết, cách đây khoảng 10 năm, một cơ quan kiểm lâm phía nam bắt được hai con vượn đen má trắng và giao cho Trạm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi (TP.HCM). Nhưng trong tự nhiên thì loài vượn đen má trắng này được phân bố ở phía bắc nước ta, bắc Lào và vùng Vân Nam, Trung Quốc. Vì thế Trạm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi đã liên hệ và bàn giao cho Trung tâm Đa dạng sinh học Mê Linh hai cá thể này.
Vượn đen má trắng là loài cực kỳ nguy cấp cần được bảo vệ.
Trong 10 năm qua Trạm đa dạng sinh học Mê Linh vẫn nuôi, giữ hai con vượn đen má trắng đó với mong muốn giữ nguồn gen và nhân giống để bảo tồn gen. Tuy nhiên mục đích thứ hai hiện vẫn chưa thực hiện được do chưa tìm được cá thể vượn đen má trắng cái để ghép đôi, phục vụ mục đích sinh sản.
Hai con vượn này khoảng 14 - 15 tuổi. Trong tự nhiên, tuổi đời của loài vượn này được ghi nhận lên đến 28 năm; trong điều kiện nuôi nhốt thì tuổi đời có thể dài hơn. Hiện Trạm đa dạng sinh học Mê Linh vẫn đang nỗ lực tìm vượn cái để ghép đôi với hai con vượn đực đang có.
Ông Phương hy vọng khác là trong dân có thể vẫn đang nuôi giữ con cái vượn đen má trắng, nếu biết hai con vượn đen ở trạm cần "vợ" thì họ có thể trao đổi hoặc biếu, tặng các nhà khoa học. Cách nhận biết giới tính của vượn đen má trắng trưởng thành qua màu lông. Khi nhỏ thì chúng không khác nhau, nhưng khi lớn thì lông con đực có màu đen, con cái có màu vàng.
Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh được thành lập từ năm 1999 trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam. Trạm có diện tích khoảng 170 ha, ban đầu là một khu rừng nghèo chủ yếu là vùng đất trống đồi núi trọc, chỉ có cây bụi thảm cỏ nằm dưới dãy núi Vườn quốc gia Tam Đảo. Trải qua 25 năm hoạt động, giờ đây Trạm đã trở thành một địa điểm quan trọng có ý nghĩa, trong tiếp cận, khám phá các điều bí ẩn, kỳ diệu lý thú của thiên nhiên đối với các nhà khoa học, sinh viên, học sinh trong nước và cả quốc tế. Đặc biệt trong những năm trở lại đây, Trạm đã trở thành một địa điểm du lịch khám phá thiên nhiên hấp dẫn ý nghĩa đối với du khách gần xa.
Tin, ảnh: Tô Hội
Nguồn: Báo Sức khỏe & đời sống