TRANG CHỦ Tin địa phương

13:51 25/09/2024

Nguồn lực để Mường Giôn giữ rừng

Những ngày đầu tháng 8, chúng tôi có dịp trở lại xã Mường Giôn, xã vùng cao của huyện Quỳnh Nhai. Khác xa so với những năm mới ổn định sau thực hiện di dân TĐC thủy điện Sơn La, giờ đây, trung tâm xã nhộn nhịp, đường bê tông về đến các bản, xe ô tô có thể ra đến khu sản xuất. Mường Giôn không còn đất trống, đồi trọc, thay vào đó là những cánh rừng phòng hộ, rừng sản xuất xanh tốt.

          Những ngày đầu tháng 8, chúng tôi có dịp trở lại xã Mường Giôn, xã vùng cao của huyện Quỳnh Nhai. Khác xa so với những năm mới ổn định sau thực hiện di dân TĐC thủy điện Sơn La, giờ đây, trung tâm xã nhộn nhịp, đường bê tông về đến các bản, xe ô tô có thể ra đến khu sản xuất. Mường Giôn không còn đất trống, đồi trọc, thay vào đó là những cánh rừng phòng hộ, rừng sản xuất xanh tốt.

Lực lượng kiểm lâm huyện Quỳnh Nhai và nhân dân kiểm tra diện tích rừng tại bản Bo Xanh, xã Mường Giôn.

          Là xã có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế và cũng là xã có diện tích rừng lớn nhất của huyện Quỳnh Nhai. Những năm qua, cùng với tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, Mường Giôn đã triển khai hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, góp phần nâng cao chất lượng rừng, hỗ trợ nhân dân thêm sinh kế, phát triển sản xuất và xây dựng nông thôn mới.

          Mường Giôn có 18 bản; trong đó, 17 bản có rừng, với tổng diện tích gần 8.830 ha rừng, tỷ lệ che phủ đạt 51%. Hằng năm, 579 chủ rừng là cộng đồng bản, tổ chức chính trị - xã hội, hộ gia đình trên địa bàn được chi trả từ 5-6 tỷ đồng dịch vụ môi trường rừng. Trong đó, 17 chủ rừng là cộng đồng bản quản lý 7.470 ha rừng, trung bình mỗi năm được chi trả khoảng 4,5 tỷ đồng.

          UBND xã đã chỉ đạo Ban quản lý các bản phối hợp với Chi nhánh Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Thuận Châu - Quỳnh Nhai xây dựng và thực hiện quy chế quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng, bảo đảm đúng quy định, hiệu quả, công khai nguồn kinh phí, phục vụ công tác bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư các công trình công cộng phục vụ đời sống, sản xuất của nhân dân. Đến nay, các bản đã đầu tư hàng tỷ đồng bê tông hóa đường nội bản, đường ra khu sản xuất, xây dựng cầu qua suối, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị cho nhà văn hóa bản và hỗ trợ bà con phát triển sản xuất.

          Cùng lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện, chính quyền xã đi kiểm tra thực tế diện tích rừng tại một số bản. Điều đáng ghi nhận là nhiều diện tích rừng mặc dù nằm rất gần với khu vực sản xuất, nhưng đều được tách biệt bởi những tuyến đường bê tông, vừa là ranh giới vừa đóng vai trò như những đường băng cản lửa. Trong rừng còn rất nhiều cây gỗ to, dưới tán được phát quang để phòng cháy rừng. Hơn 2 năm qua, bà con đã trồng mới hàng trăm ha rừng sản xuất từ nguồn dịch vụ môi trường rừng, trong đó phải kể đến mô hình trồng hơn 70 ha cây quế đang sinh trưởng, phát triển tốt. Bên cạnh đó, xã đang khoanh vùng, xây dựng các mô hình chăn nuôi đại gia súc dưới tán rừng, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế rừng ở các bản.

          Chia tay Mường Giôn, chúng tôi hết sức ấn tượng với cách làm của xã trong việc bảo vệ nguồn nước suối Nặm Giôn. Trong đó, Ban quản lý các bản cam kết, suối chảy qua bản nào thì trích từ nguồn dịch vụ môi trường rừng cắm biển bảo vệ và có trách nhiệm tuyên truyền, vận động nhân dân không xả rác, không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm, bảo đảm nguồn nước cho các loài cá tự nhiên sinh trưởng. Ngoài ra, xã còn bảo tồn, tổ chức các lễ hội truyền thống, xã sẽ nghiên cứu, xây dựng một số điểm du lịch sinh thái thu hút du khách và xây dựng mô hình nuôi vịt cổ xanh trên suối Nặm Giôn phát triển thành sản phẩm OCOP.

 
 

                                                        Tin ảnh: Ngọc Thuấn

                                                               Nguồn: Báo Sơn La