ĐBP - Với mục đích nâng cao tinh thần trách nhiệm của người dân đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng, thời gian qua, xã Mường Pồn (huyện Điện Biên) đã thực hiện nghiêm túc việc cam kết quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và quản lý lâm sản được ký hàng năm. Đây được coi là một biện pháp mang tính pháp lý để ràng buộc trách nhiệm của người dân với rừng, góp phần hạn chế những trường hợp vi phạm lâm luật và thiệt hại về rừng ở địa phương.
Bản Mường Pồn 2, xã Mường Pồn (huyện Điện Biên) được giao quản lý và bảo vệ hơn 900ha rừng. Hiện nay, hàng năm, bà con dân bản đều được nhận khoản tiền chi trả DVMTR. Khi được hưởng lợi từ rừng, mỗi cá nhân, gia đình đều ý thức hơn trong việc giữ rừng; điều đó được thể hiện qua việc 100% hộ dân trong bản đều ký cam kết thực hiện quản lý, bảo vệ rừng. Để gắn trách nhiệm của bản thân và gia đình với rừng, bà Lò Thị Lả, bản Mường Pồn 2, xã Mường Pồn luôn nghiêm chỉnh chấp hành việc ký và thực hiện theo cam kết. Không chỉ thực hiện theo hương ước, quy ước của bản, bà Lả còn cam kết với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng và với bản về bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy chữa cháy rừng.
Bà Lò Thị Lả, bản Mường Pồn 2, xã Mường Pồn (huyện Điện Biên) tâm sự: “Hàng năm, bản Mường Pồn 2 đã cam kết thực hiện quy ước nên bản thân tôi và bà con dân bản đều thực hiện nghiêm các quy định về phòng cháy chữa cháy, không phá rừng làm nương, không khai thác củi tươi. Chúng tôi cũng đề ra mức phạt, nếu ai vi phạm cam kết sẽ bị phạt từ 2 - 3 trăm nghìn đồng với lần vi phạm đầu; còn sai lần 2 sẽ phạt nặng hơn với khoảng từ 4 - 5 trăm nghìn đồng. Quy định đã đặt ra rồi, hộ gia đình nào cũng phải ký cam kết, nhà nào không ký cũng bị phạt theo quy ước”.
Không chỉ người dân mà hàng năm, đại diện các bản cũng phải cam kết quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và quản lý lâm sản với UBND xã. Trong đó, nêu rõ và đầy đủ các nhiệm vụ mà mỗi một trưởng bản phải thực hiện, từ trách nhiệm cá nhân cho đến trách nhiệm của người quản lý cộng đồng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn. Ông Quàng Văn Trưởng, Trưởng bản Mường Pồn 2, xã Mường Pồn cho biết: “Trong mỗi bản cam kết đều nêu rõ những hành vi nghiêm cấm, mỗi người dân, hộ dân cần cam kết thực hiện để rừng không bị xâm hại. Riêng cá nhân tôi là trưởng bản phải đi đầu trong tuyên truyền cho người dân; tổ chức tuần tra bảo vệ rừng 3 lần/tháng. Đặc biệt là thời kỳ cao điểm, tôi là tổ trưởng và cử 2 người luân phiên trực hàng ngày để kịp thời phát hiện cháy và huy động lực lượng chữa cháy…”.
Việc thực hiện ký cam kết quản lý, bảo vệ rừng ở bản Mường Pồn 2 nói riêng và xã Mường Pồn nói chung đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân. Bởi vậy, ngay từ đầu năm, UBND xã đã tổ chức cho các bản và người dân ký cam kết quản lý bảo vệ rừng; đồng thời xây dựng các chương trình, kế hoạch nhằm hiện thực hóa những việc làm cụ thể trong cam kết, thể hiện rõ trách nhiệm của chính quyền xã trong việc quản lý, bảo vệ rừng.
Ông Lò Văn Nghiên, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Pồn (huyện Điện Biên) cho biết: Hiện nay, diện tích tự nhiên toàn xã Mường Pồn hơn 12.500ha; trong đó, diện tích đất có rừng được chi trả tiền DVMTR trên 6.300ha rừng. Hàng năm, bà con và cộng đồng được hưởng lợi từ rừng nên ý thức giữ rừng cũng được nâng lên. Cùng với đó, hàng năm, Chủ tịch UBND xã cũng tiến hành ký cam kết quản lý, bảo vệ rừng với cấp trên. Với vai trò lãnh đạo UBND xã, chúng tôi đã tiếp thu và tuyên truyền vận động bà con làm tốt hơn việc giữ rừng. Đồng thời chỉ đạo các bản tổ chức thành lập các tổ, đội quản lý, bảo vệ rừng. Phối hợp với các lực lượng đóng chân trên địa bàn để quản lý những diện tích rừng hiện có ngày càng tốt hơn; góp phần nâng độ che phủ rừng trong xã...
Từ các nội dung cam kết giữa các cấp, công tác quản lý bảo vệ rừng hằng năm ở Mường Pồn có sự chuyển biến tích cực. Các trường hợp vi phạm quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đã giảm đáng kể. Nhất là với các trường hợp phá rừng làm nương hay khai thác gỗ, khai thác lâm sản, vận chuyển, sử dụng gỗ trái phép đã không còn. Ông Phạm Ánh Dương, kiểm lâm địa bàn xã Mường Pồn, huyện Điện Biên chia sẻ: “Qua việc cam kết, người dân đã quan tâm nhiều hơn đến công tác quản lý bảo vệ rừng, nhiệt tình tham gia các hoạt động bảo vệ rừng. Chính quyền địa phương cũng vào cuộc tích cực, các trưởng bản đã phát huy vai trò trong việc giữ rừng và góp phần đáng kể vào việc làm giảm các vụ việc vi phạm các quy định, xâm hại đến rừng trên địa bàn”.
Trên cơ sở các nội dung của bản cam kết, người dân Mường Pồn đã chủ động khoanh nuôi, bảo vệ để nhân rộng diện tích rừng; hướng đến mục tiêu lâu dài và hưởng lợi ích kép từ rừng. Từ đó có thể khẳng định, việc cam kết bảo vệ rừng không chỉ để quy trách nhiệm, mà còn là cơ sở làm chuyển biến nhận thức của người dân trong việc bảo vệ và phát triển rừng. Ông Quàng Văn Huân, bản Cò Chạy, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên cho biết: “Chúng tôi cam kết bảo vệ rừng với nhiều nội dung cụ thể. Từ cam kết đó, chúng tôi không chỉ thực hiện nghiêm túc mà còn tích cực tham gia tuần tra, bảo vệ rừng. Vừa tuần tra theo định kỳ, vừa đi đột xuất. Mặt khác, để có rừng nhiều hơn, chúng tôi còn tập trung khoanh nuôi, bảo vệ thêm nhiều diện tích rừng tái sinh. Có như vậy mới đúng theo các nội dung trong cam kết...”.
Thực tiễn việc cam kết và thực hiện cam kết bảo vệ rừng trên địa bàn xã Mường Pồn cho thấy chuyển biến rõ nhất là việc tuần tra, kiểm soát tình hình rừng được tăng cường và duy trì đều đặn. Mỗi cá nhân, gia đình hay cộng đồng đã thể hiện rõ trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Nhờ vậy, năm 2023, xã Mường Pồn không xảy ra vụ vi phạm về các quy định trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xảy ra 2 vụ cháy rừng, song chính quyền địa phương và người dân đã kịp thời phát hiện và chữa cháy nên không có thiệt hại về rừng. Những chuyển biến tích cực đó được tạo nên bởi ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân và sự tác động nhất định từ việc ký cam kết quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và quản lý lâm sản hàng năm của người dân địa phương.
Bài, ảnh: Quang Hưng
Nguồn: Báo Điện Biên Phủ