Lực lượng Kiểm lâm hướng dẫn đồng bào DTTS biện pháp chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng.
Khi người dân làm chủ
Chị Nguyễn Thị Thà ở khu Thiện 2, xã Hưng Long, huyện Yên Lập là hộ được giao đất lâm nghiệp chia sẻ: “Gia đình tôi được giao hơn 2ha đất rừng, sau khi nhận đất, tôi đã đầu tư trồng rừng, sau gần 10 năm, gia đình tôi được khai thác, trung bình mỗi đợt thu nhập gần 200 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao từ trồng rừng mang lại, gia đình tích cực chăm sóc, bảo vệ rừng để đời sống ngày càng được cải thiện. Tới đây, gia đình tôi trồng thêm bạch đàn, quế, dưới tán rừng trồng sắn”. Được biết, khu Thiện 2, xã Hưng Long có hơn 100 hộ dân sinh sống, trên 50% số hộ được giao đất, giao rừng, đem lại hiệu quả thiết thực. Diện tích rừng đã giao khoán được người dân tích cực đầu tư trồng rừng sản xuất, tạo việc làm tại chỗ, tăng thu nhập, ổn định đời sống.
Huyện Yên Lập hiện có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên 30.000ha, chiếm hơn 70% diện tích tự nhiên của huyện. Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác quản lý, bảo vệ rừng, những năm gần đây, huyện Yên Lập đã cụ thể hóa các văn bản, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, của huyện để triển khai công tác giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho người dân các dân tộc trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tham mưu, xây dựng kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng hàng năm và theo từng giai đoạn phân loại rừng, xác định ranh giới các loại rừng, tổ chức thống kê, kiểm kê, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, cập nhật kịp thời những biến động về diện tích rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn, huy động các tổ chức, cá nhân, hộ dân tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ, khoanh nuôi, tái sinh rừng. Hiện huyện đã giao đất, giao rừng cho trên 60 tổ bảo vệ rừng, hơn 4.000 hộ dân ở các xã quản lý, góp phần nâng cao chất lượng rừng và thu nhập cho người dân.
Không chỉ ở huyện Yên Lập, thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng cho bà con, những năm về trước cơ bản diện tích đất trên địa bàn huyện Thanh Sơn đã được giao cho các hộ gia đình, cá nhân. Nhờ có chính sách giao đất, giao rừng, bà con đã chủ động phát triển kinh tế, đồng thời có sự hướng dẫn của Hạt Kiểm lâm huyện, cán bộ kỹ thuật về quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc để đạt hiệu quả cao nhất trong phát triển kinh tế đồi rừng. Ông Đoàn Xuân Quý, ở khu Chầm, xã Tân Lập được nhận hơn 100ha đất lâm nghiệp. Sau nhiều năm gắn bó, việc trồng, chăm sóc rừng trở thành nghề chính, đem lại thu nhập ổn định cho gia đình. Ông cho biết: “Khi nhận đất rừng, được sự hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật của cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Thanh Sơn, gia đình tôi đã mạnh dạn trồng cây keo lai. Những năm đầu khi cây keo còn nhỏ, tôi trồng xen canh sắn để có thêm lương thực, đồng thời tăng độ tơi xốp cho đất và giữ nước, tránh xói mòn, giúp cây keo phát triển nhanh”.
Thực hiện chính sách giao đất, giao rừng cho người dân trên địa bàn huyện Thanh Sơn đã mang lại hiệu quả thiết thực. Từ chính sách này đã tạo tâm lý phấn khởi cho người dân, tạo điều kiện cho các chủ rừng chủ động đầu tư, canh tác trên mảnh đất của mình, phát huy mọi nguồn lực phát triển sản xuất lâm nghiệp trên đất rừng được giao, từ đó phát huy tối đa lợi thế của rừng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống người dân miền núi.
Nhiều hộ dân ở xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm từ phát triển kinh tế rừng.
Thúc đẩy phát triển rừng bền vững
Thực tiễn khẳng định, giao đất, giao rừng cho đồng bào DTTS là một chủ trương lớn, đúng đắn, phù hợp với chính sách xã hội hóa trong bảo vệ và phát triển rừng. Sau khi được giao đất, giao rừng, người dân, cộng đồng dân cư đã có ý thức tự chủ với tài sản được giao, có trách nhiệm hơn trong quá trình quản lý và sản xuất, hạn chế tình trạng chặt phá, khai thác rừng trái phép. Những khu vực giáp ranh, rừng đầu nguồn giao cho cộng đồng dân cư được bảo vệ tốt, chất lượng rừng được tăng lên. Nhờ chính sách giao đất, giao rừng đã góp phần thực hiện chiến lược điều chỉnh, phân bố lao động dân cư, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, thúc đẩy phát triển sản xuất bền vững gắn với củng cố an ninh, quốc phòng.
Hàng năm, các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được nhận khoảng 300 triệu đồng dịch vụ môi trường rừng từ các lưu vực liên tỉnh do Quỹ bảo vệ rừng Trung ương điều phối với khoảng 600ha ở các huyện: Thanh Sơn, Tân Sơn, Hạ Hòa. Thông qua hoạt động hỗ trợ sau giao đất, giao rừng, công tác xã hội hoá nghề rừng được đẩy mạnh; nguồn lao động của địa phương được huy động để bảo vệ rừng gắn với phát triển bền vững tài nguyên rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện đời sống người dân, xây dựng nông thôn mới. Sau khi thực hiện chủ trương, chính sách về giao đất, giao rừng, khoán bảo vệ rừng đã góp phần phục hồi rừng, nâng cao độ che phủ rừng. Tỷ lệ che phủ rừng giữ ổn định hàng năm 39,7%.
Đồng chí Trần Quang Đông - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: “Việc giao đất, giao rừng đã tạo được tâm lý an tâm đầu tư vào rừng, tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế. Quyền sử dụng đất lâm nghiệp ổn định lâu dài đã tác động đến tư duy kinh tế, phát huy được tính chủ động, sáng tạo của nhiều hộ gia đình nông dân miền núi, tạo điều kiện nâng cao quyền tự chủ về kinh tế. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hộ gia đình, mô hình liên kết cộng đồng quản lý sử dụng rừng, đất rừng hiệu quả bằng việc kết hợp các biện pháp khoanh nuôi phục hồi rừng tự nhiên với trồng bổ sung cây bản địa gắn với quy hoạch các vùng nông, lâm kết hợp, trồng xen dưới tán rừng lấy ngắn nuôi dài. Có thể nói, chính sách giao đất, giao rừng đã tạo tiền đề đảm bảo rừng có chủ thực sự, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả, thúc đẩy phát triển lâm nghiệp, kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn miền núi. Đời sống của đồng bào DTTS được giao đất, giao rừng từng bước ổn định, phát triển bền vững”.
Tin, ảnh: Hoàng Hương
Nguồn: Báo Phú Thọ