Thời gian qua, tình trạng rao bán động vật hoang dã (ĐVHD) diễn ra khá phổ biến trên mạng xã hội. Sự thuận tiện và lợi nhuận cao từ mua bán loài động vật này đã thúc đẩy nhiều đối tượng bất chấp quy định cấm của pháp luật để thu lợi. Tháng 8 vừa qua, một người đàn ông ở thôn Sơn Quả 4, xã Lương Phong (Hiệp Hòa) bị cơ quan chức năng lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính vì đăng bài quảng cáo, rao bán ĐVHD (cò, vạc, dẽ giun thuộc danh mục loài ĐVHD) trên tài khoản facebook cá nhân.
Lực lượng Kiểm lâm Bắc Giang thả cá thể khỉ về môi trường tự nhiên.
|
Trước đó, đầu năm nay, Hạt Kiểm lâm Lục Nam phối hợp với UBND và Công an xã Tiên Nha (Lục Nam) tổ chức kiểm tra, xác minh thông tin dấu hiệu vi phạm pháp luật về ĐVHD đối với ông V.V.T ở xã Tiên Nha. Ông T nhiều lần sử dụng facebook “Tuấn Lan Tới” để quảng cáo, đăng bài chào bán ĐVHD và các sản phẩm từ ĐVHD như: Cầy vòi, nai, sóc, dúi, chồn bạc má và một số loài chim. Ông T thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật và cam kết gỡ bỏ toàn bộ các bài đăng liên quan trên facebook. Tuy nhiên, thời gian gần đây, lại thấy facebook mang tên “Tuấn Lan Tới” đăng nhiều thông tin rao bán lợn rừng, sóc, các loại chim hoang dã.
Cũng tại huyện Lục Nam, nhiều tháng nay, tài khoản facebook có tên “Vu Văn Hạnh” liên tục rao bán các sản phẩm thịt chim, thú rừng, thậm chí còn phát trực tiếp cảnh làm thịt, chế biến các loài chim, cò, vạc, sóc… Theo giới thiệu của người này, các sản phẩm thịt ĐVHD (đã làm thịt hoặc còn sống) được đặt mua ở một nơi khác rồi vận chuyển qua ô tô về thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam), sau đó được bán cho người có nhu cầu.
Tương tự, theo dõi một số trang mạng như: Yên Thế 24h, Tin tức Lục Ngạn 24/h, Lục Ngạn 24h, Tin tức Lục Nam, Chợ Gai - thị trấn Đồi Ngô, Lục Nam… thời gian qua thấy có nhiều bài đăng thông tin, rao bán các sản phẩm được cho là ĐVHD. Đáng chú ý, kèm theo lời chào hàng là những clip, hình ảnh chụp ĐVHD bị săn bắt, trong đó nhiều con đã được giết mổ, cấp đông.
Xử lý nghiêm vi phạm
Buôn bán ĐVHD không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn có thể gây nguy hiểm trực tiếp tới sức khỏe, thậm chí tính mạng con người. Đã có không ít trường hợp mua ĐVHD về nuôi như “thú cưng” và bị chính những con thú này tấn công. Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang, từ đầu năm đến nay, đơn vị phát hiện, lập biên bản xử lý 8 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ động vật rừng và mua bán, vận chuyển động vật rừng trái phép, qua đó tịch thu 33 cá thể động vật rừng. Ngoài ra, lực lượng kiểm lâm tiếp nhận 10 cá thể ĐVHD do người dân tự nguyện trao trả cho Nhà nước và làm thủ tục cứu hộ, thả về môi trường tự nhiên. Qua đó góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, nhất là bảo tồn nguồn gen đối với các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm, duy trì tính đa dạng của hệ sinh thái.
Từ đầu năm đến nay, Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang phát hiện, lập biên bản xử lý 8 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ động vật rừng và mua bán, vận chuyển động vật rừng trái phép, tịch thu 33 cá thể động vật rừng. Ngoài ra, lực lượng kiểm lâm tiếp nhận 10 cá thể động vật hoang dã do người dân tự nguyện trao trả cho Nhà nước và làm thủ tục cứu hộ, thả về môi trường tự nhiên.
|
Theo đại diện lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang, để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, bảo đảm chấp hành nghiêm quy định của pháp luật và phòng ngừa tội phạm về ĐVHD, đơn vị đã yêu cầu các hạt kiểm lâm, đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng hướng dẫn, kiểm tra, quản lý, giám sát chặt chẽ các cơ sở gây nuôi động vật rừng trên địa bàn quản lý, tránh tình trạng lợi dụng để gây nuôi các loài không có nguồn gốc hợp pháp. Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các quy định về quản lý, bảo vệ ĐVHD đến các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; khuyến khích người dân chủ động đấu tranh, tố giác vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Tăng cường nắm bắt thông tin, tích cực tuần tra, kiểm soát trên khâu lưu thông nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi mua bán, vận chuyển ĐVHD trên địa bàn hoặc đi qua địa bàn.
Hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, buôn bán sinh vật cảnh ký cam kết không mua bán, sử dụng, tiêu thụ, trưng bày, quảng cáo mẫu vật ĐVHD không bảo đảm nguồn gốc hợp pháp và kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân, cơ sở kinh doanh vi phạm. Thường xuyên nắm, trao đổi thông tin với lực lượng công an, quản lý thị trường và các cơ quan có liên quan về quy luật, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh ĐVHD nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý. Phối hợp kiểm tra tại các địa bàn trọng điểm, khâu lưu thông trên các tuyến quốc lộ và các tuyến giao thông kết nối với địa bàn lân cận.
Tổ chức kiểm tra, gỡ bỏ các thiết bị bẫy bắt chim hoang dã, chim di cư; kiên quyết không để hình thành các khu chợ, tụ điểm buôn bán các loài chim hoang dã, di cư trái pháp luật trên địa bàn tỉnh. Cùng đó, cơ quan chức năng cần bảo vệ nghiêm ngặt rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, khoanh nuôi, tái sinh rừng trong các chương trình trồng rừng, thực hiện các biện pháp làm giàu rừng bằng cây bản địa và đẩy mạnh hoạt động phòng, chống cháy rừng. Qua đó góp phần ngăn chặn sự suy giảm các loài ĐVHD bị đe dọa, đặc biệt loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Bài, ảnh: Nguyễn Hưởng
Nguồn: Báo Bắc Giang