TRANG CHỦ Tập huấn - diễn tập

10:05 08/08/2024

Nặm Giắt sử dụng hiệu quả tiền dịch vụ môi trường rừng


          Trở lại bản Nặm Giắt, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu lần này, chúng tôi thấy có nhiều thay đổi, nhà văn hóa bản được xây dựng kiên cố, những tuyến đường nội bản, đường ra khu sản xuất được bà con đổ bê tông, không còn gập ghềnh sỏi đá như trước đây. Bà con có thêm việc làm từ nghề rừng, giúp tăng thu nhập, ổn định đời sống.

Lực lượng kiểm lâm và nhân dân bản Nặm Giắt, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, tuần tra bảo vệ rừng.

          Sau khi sáp nhập 5 bản, hiện nay, bản Nặm Giắt có hơn 300 hộ; trong đó, 85% là đồng bào dân tộc Mông. Đây là bản có diện tích rừng lớn và là một trong những cơ sở làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng của xã Phổng Lái. Thời gian này, mặc dù bận thu hái và vận chuyển chè búp tươi bán cho các cơ sở chế biến chè trên địa bàn xã, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Thào A Sênh vẫn tranh thủ cùng tổ bảo vệ, PCCCR của bản đưa chúng tôi theo con đường bê tông vào khu rừng tái sinh được khoanh nuôi, bảo vệ. Hai bên đường, vườn cây ăn quả sau vụ thu hoạch được chăm sóc đang lên xanh tốt.

          Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Thào A Sênh bảo: Những năm gần đây, nhờ tích cực thâm canh 105 ha chè, 95 cà phê và tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nương, cũng như làm tốt công tác bảo vệ rừng, nên đời sống của bà con đã ổn định, từng bước được nâng lên, cả bản chỉ còn 9 hộ nghèo. Có được những tuyến đường bê tông này, ngoài hỗ trợ của nhà nước theo chương trình xây dựng nông thôn mới, thì đều do bà con tích cực tham gia bảo vệ rừng để được hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

          Nhân dân bản Nặm Giắt đang quản lý 3.132 ha rừng phòng hộ, từ nhiều năm nay, công tác quản lý, bảo vệ rừng được đưa vào hương ước, quy ước của bản. Trong đó, nghiêm cấm mọi hành vi lấn chiếm vào đất rừng, quy định rõ các hộ gia đình ổn định diện tích sản xuất nương rẫy; bà con được phép vào rừng lấy củi khô để phục vụ sinh hoạt, nhưng phải có sự giám sát của tổ bảo vệ rừng, các hành vi vi phạm sẽ bị phạt theo hương ước và đưa vào quỹ chung của bản.

Nhân dân bản Nặm Giắt, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu trồng tre lấy măng.

          Anh Nguyễn Minh Tân, kiểm lâm phụ trách địa bàn xã Phổng Lái, cho biết: Mặc dù quản lý diện tích rừng phòng hộ rất lớn, nhưng từ nhiều năm nay, bà con bản Nặm Giắt luôn chấp hành tốt các quy định về bảo vệ, PCCCR, không phá rừng làm nương, không để xảy ra cháy rừng, hay khai thác lâm sản trái phép. Ban quản lý bản và tổ bảo vệ rừng thường xuyên phối hợp với kiểm lâm địa bàn tuần tra, kiểm soát, tuyên truyền bà con chấp hành tốt các quy định về bảo vệ rừng.

          Đặc biệt, từ khi triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, không những mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho bản, mà còn góp phần quan trọng bảo vệ, phát triển rừng bền vững. Trong tổng diện tích 3.132 ha rừng phòng hộ, có 2.416 ha đủ điều kiện chi trả dịch vụ môi trường rừng, trung bình mỗi năm, bản được chi trả gần 1,3 tỷ đồng cho các chủ rừng là cộng đồng bản, nhóm hộ và các tổ chức chính trị - xã hội của bản.

          Trong đó, cộng đồng bản được chi trả gần 300 triệu đồng, từ nguồn kinh phí này, Ban quản lý bản đã tổ chức họp dân công khai và thống nhất các khoản chi. Đồng thời, xây dựng quy chế quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng, bảo đảm đúng quy định, phát huy hiệu quả chính sách, phục vụ trở lại cho công tác bảo vệ rừng và phục vụ đời sống của nhân dân trong bản. Bản đã đầu tư 325 triệu đồng làm 1,1 km đường bê tông trục bản, 2,8 km đường bê tông vào nhóm dân cư Huổi Giếng; đầu tư 510 triệu đồng làm đường bê tông phục vụ sản xuất nhóm dân cư Huổi Giếng, Pha Luông, Pha Lao và nhiều công trình phục vụ đời sống, sinh hoạt của bà con trong bản.

Các tuyến đường lên khu sản xuất ở bản Nặm Giắt được đổ bê tông.

          Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Thào A Sênh cho biết thêm: Để tạo thêm sinh kế cho nhân dân từ nghề rừng, Ban quản lý bản đang đề nghị với xã tổ chức cho đi học tập một số mô hình chăn nuôi, trồng cây dược liệu dưới tán rừng tại một số bản ngoài huyện để nghiên cứu xây dựng mô hình. Trước mắt, vận động bà con tích cực thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng cà phê và chè. Đồng thời, vận động một số hộ đang trồng tre lấy măng ở những diện tích đất gần rừng, nhưng mới chỉ phục vụ nhu cầu tại chỗ, bản sẽ trích từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường hỗ trợ các hộ đầu tư chăm sóc, mở rộng diện tích, để sản phẩm trở thành hàng hóa.

          Từ nhiều năm nay, gia đình anh Lầu A Chứ duy trì trồng tre giáp với rừng phòng hộ để lấy măng ngọt phục vụ gia đình và cung cấp cho bà con trong bản. Anh Sáng chia sẻ: Gia đình đang dự kiến sẽ mở rộng diện tích trồng tre lấy măng và nghiên cứu trồng cây dược liệu dưới tán rừng để tạo thêm việc làm, thu nhập.

          Chia tay bản Nặm Giắt, cũng là lúc trên con đường bê tông, gặp rất đông bà con trở về bản sau một ngày sản xuất. Những cánh rừng xanh tốt đầy sức sống, cùng với chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, tạo thêm sinh kế từ nghề rừng đang là hướng đi phù hợp, hiệu quả, giúp bà con ổn định và nâng cao đời sống.

                           Bài, ảnh: Ngọc Thuấn

                                     Nguồn: Báo Sơn La