Việt nam hiện có trên 1 triệu ha núi đá vôi, chiếm khoảng 7% diện tích đất Lâm nghiệp, trong đó có khoảng 0,6 triệu ha diện tích có rừng (chiếm 55%). Hầu hết diện tích rừng trên núi đá vôi được quy hoạch là rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, rừng trên núi đá vôi phân bố tập trung nhất ở vùng Đông Bắc, Tây Bắc và Bắc Trung Bộ.
Ảnh rừng nghiến trên núi đá vôi tại Khu BTTN Kim Hỷ- Bắc Kạn
Hiện nay cả nước có 20 khu rừng đặc dụng là rừng núi đá vôi, với diện tích khoảng 0,32 triệu ha, chiếm 17,5% diện tích rừng đặc dụng toàn quốc. Do quá trình phong hóa diễn rư rất chậm và lâu dài, núi đá vôi tạo nên nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú và huyền bí gắn với bản sắc văn hóa của dân tộc chưa được khám phá hết đang thu hút hàng vạn khách tham quan và các nhà khoa học, là điểm hẹn của nhiều du khách về du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm và nghiên cứu khoa học.
Rừng trên núi đá vôi thuộc kiểu rừng nhiệt đới lá rộng thường xanh có tài nguyên thực vật và động vật khá đặc sắc, khác với nhiều kiểu rừng nhiệt đới trên núi đất của các khu rừng đặc dụng Việt Nam như: Hệ thực vật phong phú đa dạng về loài, nhiều loài có giá trị kinh tế, khoa học được ghi trong sách Đỏ Việt Nam như Nghiến, Hoàng Đàn, Mun sọc, Pơ mu, Kim giao,…Hệ động vật tương đối đa dạng, trong đó có hai bộ có tính đa dạng cao nhất là bộ Dơi và bộ Linh trưởng. Các loài tiêu biểu là Voọc mũi hếch, Voọc đầu trắng, Hươu xạ,…
Hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi đã và đang đóng vai trò vô cùng quan trọng trong kinh tế, môi trường và nghiên cứu khoa học của nước ta. Tài nguyên rừng của các khu rừng đặc dụng trên núi đá vôi vốn rất phong phú và đa dạng nhưng ngày càng bị xâm hại, diện tích rừng bị thu hẹp, nhiều loài động, thực vật quý suy giảm về số lượng. Thảm thực vật rừng trên núi đá vôi bị suy giảm sẽ dẫn đến sự thay đổi tiểu khí hậu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của cộng đồng các dân tộc sống trong và quanh vùng núi đá.
Hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi là một hệ sinh thái đặc biệt rất nhạy cảm, có lịch sử địa chất lâu dài, được hình thành trên nền đất đặc biệt là đá vôi, điều kiện thuỷ văn thường là khô hạn, vì vậy nếu bị phá huỷ thì rất khó có thể khôi phục. Ở các vùng núi đá vôi có khu hệ sinh vật đặc thù, mang tính chỉ thị, đó là những nhóm loài ưa sống trong điều kiện khắc nghiệt.
Sự tái sinh các loài cây trên núi đá vôi rất khó và sự sinh trưởng của chúng rất chậm chạp, loài Nghiến trên núi đá vôi mất hàng nghìn năm sau có được cây nghiến cổ thụ, việc khôi phục loài này là hết sức khó khăn. Các năm qua, tại một số khu rừng đặc dụng vẫn còn tình trạng khai thác trái phép nghiến, chủ yếu là khai thác nghiến dưới dạng thớt mang tiêu thụ như tại Vườn quốc gia Ba Bể, Khu BTTN Kim Hỷ (Bắc Kạn); Khu BTTN Phong Quang (Hà Giang); Khu BTTN Hữu Liên (Lạng Sơn); Khu BTTN Thần Sa - Phượng Hoàng (Thái Nguyên),...
Ảnh rừng nghiến trên núi đá vôi tại Khu BTTN Phong Quang – Hà Giang
Theo Quyết định 886/QĐ-TTg ngày 16/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020, với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng và phát huy giá trị của từng loại rừng trên đơn vị diện tích. Để bảo tồn rừng Nghiến trên núi đá vôi tại các khu rừng đặc dụng cần thiết tiến hành một số giải pháp chính sau đây:
- Tổ chức mạng lưới bảo vệ rừng trong nhân dân tại các xã có diện tích rừng nghiến, bảo đảm cho những nơi có nguy cơ bị khai thác trái phép cần có người bảo vệ chuyên trách hợp lý, có chế độ đãi ngộ phù hợp. Điển hình tại Khu BTTN Văn Bàn – Hoàng Liên, giao khoán bảo vệ từng cây nghiến cổ thụ cho người dân địa phương, có chế độ đãi ngộ đối với các hộ được nhận bảo vệ cây nghiến.
- Tăng cường đầu tư các chương trình, dự án nhằm tạo việc làm cho người dân sống trong, gần các khu rừng nghiến, giảm áp lực cho công tác quản lý bảo vệ rừng.
- Tăng cường lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cho các Ban quản lý rừng đặc dụng có rừng nghiến nhằm ngăn chặn hiệu quả tình trạng khai thác, vận chuyển trái phép nghiến dạng thớt trên địa bàn
- Khoanh nuôi tái sinh tự nhiên loài Nghiến trên núi đá vôi, đồng thời giám sát, bảo vệ, phòng chống cháy rừng, có thể khoán bảo vệ cho người cộng đồng dân địa phương (mô hình quản lý rừng cộng đồng).
- Cần nâng cao đời sống cho người dân, giảm áp lực vào rừng, giảm tỷ lệ các hộ nghèo bằng các biện pháp cụ thể như: Tăng cường hỗ trợ vốn, cho vay để người dân có kế hoạch phát triển kinh tế lâu dài; tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, hỗ trợ giống, kỹ thuật tới tận người dân để họ sử dụng tiền vốn vay có hiệu quả; tổ chức chuyển giao kỹ thuật cho người dân sống trong rừng, gần rừng; hỗ trợ cây giống đa mục đích cho người dân để họ trồng quanh khu gia đình nhằm mục đích lấy củi, lấy gỗ,... để phục vụ cuộc sống, giảm áp lực vào rừng.
- Xử lý nghiêm các vụ vi phạm về khai thác, vận chuyển trái phép nghiến dạng thớt, đặc biệt xử lý các đầu nậu chuyên thu mua nghiến dưới dạng thớt.
- Hoàn thiện cơ chế, chính sách cho các Ban quản lý rừng đặc dụng, tạo điều kiện về kinh phí, nhân lực để các Ban quản lý của các khu rừng hoạt động hiểu quả. Xây dựng chương trình giám sát loài quý hiếm, đặc biệt là loài nghiến có giá trị bảo tồn nguồn gen và giá trị kinh tế cao.
Đặng Anh Quỳnh - Chi cục Kiểm lâm vùng I
CHI CỤC KIỂM LÂM VÙNG 1
Địa chỉ: Phường Hà Khẩu - TP Hạ Long - Quảng Ninh
Đường dây nóng: 0981197119 - Điện thoại:0203.3846768 - Email: kiemlamvung1@gmail.com
Thiết kế website TECH14 Tech14.vn