Tuyên Quang khuyến khích mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn

           Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trồng rừng gỗ lớn không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cao hơn cho các hộ gia đình mà còn giúp giảm xói mòn, góp phần bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.

Cán bộ Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm thực hành và chuyển giao công nghệ (Trường Đại học
 Tân Trào) kiểm tra cây keo lai nuôi cấy mô phục vụ trồng rừng gỗ lớn. 


           Trước xu thế không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 40/NQ-HĐND về điều chỉnh Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020, bổ sung quy hoạch đến năm 2025, trong đó mục tiêu là tốc độ tăng trưởng kinh tế ngành lâm nghiệp bình quân đạt 4%/năm; tỷ lệ che phủ rừng đạt 64,8%. 

           Theo đó, đến năm 2025, toàn tỉnh quy hoạch 26.750 ha rừng gỗ lớn, trong đó rừng trồng mới là 3.500 ha, rừng trồng lại sau khai thác là 23.250 ha. Từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh đã chuyển 7.387 ha rừng sản xuất kinh doanh gỗ lớn, chuyển hóa 24,8 ha rừng gỗ lớn từ rừng kinh doanh nguyên liệu giấy, mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng lên trên 100 m3/ha/chu kỳ 7 năm đối với gỗ nguyên liệu giấy và trên 120 m3/ha/chu kỳ 10 năm đối với gỗ lớn. 

           Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chiêm Hóa trồng 5 ha rừng keo gỗ lớn từ năm 2010. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do không liên doanh, không có người trông, công ty thanh lý toàn bộ diện tích cho người dân. Năm 2016, công ty tiếp tục hợp tác với Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam thực hiện 3 ha gỗ mỡ theo hình thức trồng rừng gỗ lớn tại xã Ngọc Hội với mật độ 1.100 cây/ha.

           Anh Ma Phúc Trượng, Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Kỹ thuật, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chiêm Hóa cho biết, so với trồng rừng thông thường, mật độ khoảng 1.660 cây/ha, thì trồng rừng gỗ lớn mật độ ít hơn, năng suất gỗ sẽ cao hơn. 

            Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Yên Sơn hiện đang quản lý trên 3.000 ha rừng, trong đó có trên 2.400 ha rừng sản xuất; diện tích rừng trồng gỗ lớn đang được trồng thử nghiệm là khoảng trên 10 ha. Theo đại diện Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Yên Sơn, giá trị của trồng rừng gỗ lớn là có, tuy nhiên chu kỳ rừng gỗ lớn lại tương đối dài, ít nhất là từ 12 năm trở lên thậm chí trên 20 năm. Với chu kỳ lâu như vậy, để lấy ngắn nuôi dài, giải pháp của doanh nghiệp hiện nay vẫn phải là trồng rừng nguyên liệu kết hợp với trồng rừng gỗ lớn.

           Trên thực tế, việc thực hiện mới chỉ đang bắt đầu tại các công ty lâm nghiệp, trong khi 85% diện tích rừng trồng nằm trong dân thì người dân vẫn chưa mặn mà. 

           Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, năm nay đơn vị hỗ trợ Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tuyên Bình thực hiện Dự án Xây dựng và phát triển mô hình áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn mọc nhanh sử dụng giống keo lai nuôi cấy mô với diện tích 42 ha, trong đó hỗ trợ người dân 21 ha, còn lại là hỗ trợ công ty.

           Tuy nhiên, qua khảo sát và nắm bắt nhu cầu của người dân tại xã Xuân Vân (Yên Sơn), số lượng hộ dân đăng ký thực hiện rất ít. Sau khi lựa chọn, Trung tâm Khuyến nông tỉnh chọn 20 hộ gia đình đều là công nhân của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tuyên Bình, trong đó các hộ được hỗ trợ 100% kinh phí mua cây giống, 50% kinh phí mua phân bón và được tập huấn toàn bộ kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng theo mô hình trồng rừng gỗ lớn. 

          Anh Nguyễn Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Vân cho biết, toàn xã có khoảng trên 1.000 ha rừng nguyên liệu, cơ bản đều là trồng rừng gỗ nhỏ và khai thác trong chu kỳ từ 5 - 7 năm. Thêm vào đó, đa số người trồng rừng có thu nhập thấp, không đủ điều kiện tài chính để theo chu kỳ khai thác dài, cho gỗ lớn, một phần do người trồng rừng ở Xuân Vân vẫn chủ yếu khai thác gỗ nhỏ bán cho các nhà máy chế biến giấy hoặc cơ sở chế biến dăm gỗ đóng trên địa bàn; đây cũng là lần đầu tiên thực hiện mô hình nên chưa có mô hình đối chứng. Anh Việt hy vọng, mô hình trồng rừng gỗ lớn đầu tiên thực hiện trên địa bàn xã sẽ thay đổi dần thói quen sản xuất của người dân. 

          Để người dân yên tâm đầu tư trồng rừng gỗ lớn, ngành Lâm nghiệp tỉnh cũng khuyến cáo các địa phương phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, với diện tích theo quy hoạch khoảng 1.200 ha. Hiện một số mô hình trồng thảo quả, gừng, nghệ... đang được triển khai thực hiện tại Na Hang, Lâm Bình, Sơn Dương, bước đầu tăng thu nhập cho người trồng rừng. 

Theo Báo Tuyên Quang

 

 
 

Nhà khách Kiểm Lâm

Liên kết - Quảng cáo

Thống kê Website

Đang truy cập:  16
Hôm nay:  398
Tháng hiện tại:  15918
Tổng lượt truy cập: 1065538
Địa chỉ IP của bạn 14.167.180.217

CHI CỤC KIỂM LÂM VÙNG 1

Địa chỉ: Phường Hà Khẩu - TP Hạ Long - Quảng Ninh

Đường dây nóng: 0981197119 - Điện thoại:0203.3846768 - Email: kiemlamvung1@gmail.com

Thiết kế website bởi: Tech14.vn