Gỗ có chứng chỉ vẫn là một khái niệm mới đối với đa số người dân Việt Nam. Một trong những lý do chính đó là các sản phẩm này ít được bày bán tại Việt Nam, do nhu cầu về chúng chưa có. Hầu hết sản phẩm làm từ gỗ có chứng chỉ được xuất khẩu. Nhưng điều này có thể thay đổi nếu như người tiêu dùng Việt Nam hiểu được vai trò của họ trong việc thúc đẩy quản lý và thương mại gỗ có trách nhiệm.
Lâm sản trách nhiệm. Ảnh TL
Hơn 1.900 hectar rừng keo của công ty Bảo Châu vừa nhận được chứng chỉ Quản lý Rừng bền vững do Hội đồng Quản lý Rừng FSC chứng nhận; trở thành công ty đầu tiên của tỉnh Phú Yên nhận được chứng chỉ rừng quốc tế. Kết quả này nằm trong khuôn khổ dự án RAFT3.
Dự án đã hỗ trợ thành công cam kết hướng tới sự bền vững 3 công ty trồng rừng tại tỉnh Phú Yên, Cà Mau và Bình Định. Các công ty này đang nỗ lực trồng và quản lý rừng theo các tiêu chuẩn của Hội đồng Quản trị rừng Thế giới (FSC). Với sự hỗ trợ kỹ thuật và thông qua các khoá tập huấn của WWF, gần 3.000 hectar rừng trồng của 2 công ty đã đạt được chứng chỉ FSC.
Thương mại và Lâm sản có trách nhiệm châu Á (RAFT) là một chương trình hỗ trợ các quốc gia châu Á Thái Bình Dương thực hành quản lý và thương mại rừng bền vững và hợp pháp.
Đối tác RAFT bao gồm 7 tổ chức phi chính phủ cùng hợp tác để thúc đẩy khả năng lãnh đạo, sáng kiến và năng lực quản lý rừng bền vững và thương mại lâm sản hợp pháp và có trách nhiệm dọc khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Với mục tiêu giảm 50% tỷ lệ phá rừng và suy thoái rừng nhiệt đới vào năm 2020, RAFT đã hợp tác cùng Tổng cục Lâm nghiệp (TCLN) Việt Nam, với sự giúp đỡ của WWF, TRAFFIC và RECOFTC, thực hiện một dự án hai năm (2016-2018) nhằm thúc đẩy quản lý rừng bền vững, nhận dạng gỗ hợp pháp, thay đổi chính sách và bước đầu tạo thị trường nội địa cho các sản phẩm gỗ có trách nhiệm.
Mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam sẽ đạt 350.000 hectar rừng trồng đạt chứng chỉ.
Xuất khẩu đồ gỗ là một trong những ngành mang lại lợi nhuận cao cho Việt Nam, với tổng doanh thu năm 2017 là gần 8 tỷ USD.
Các công ty trong nước thường hướng tới xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường có lợi nhuận cao như châu Âu, Nhật hay Mỹ. Tuy nhiên, các thị trường này có nhiều yêu cầu khắt khe đối với các sản phẩm nhập khẩu, từ chất lượng cho tới tính hợp pháp, tác động về mặt xã hội và môi trường của sản phẩm.
Những năm vừa qua, nhiều chương trình và chính sách đã được thông qua như: khuyến khích trồng rừng gỗ lớn theo Quyết định 147 của Thủ tướng ban hành năm 2007; đặc biệt là việc ký kết hiệp định Đối tác Tự nguyện trong Thực thi lâm luật, Quản trị và Thương mai Lâm sản (VPA/FLEGT), theo đó Việt Nam phải nâng cao quản lý rừng và thúc đẩy thương mại gỗ hợp pháp giữa Việt Nam và châu Âu.
Luật Lâm nghiệp mới đã được thông qua tháng 11.2017 và sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 1.2019. Một điểm thay đổi lớn trong Luật Lâm nghiệp mới là việc đảm bảo thương mại sản phẩm gỗ có trách nhiệm và đẩy mạnh quản lý rừng bền vững.
Hiện nay, Thông tư mới về quản lý rừng bền vững đang được lấy ý kiến tham vấn rộng rãi với các bên liên quan.
Theo http://nguoidothi.net.vn
CHI CỤC KIỂM LÂM VÙNG 1
Địa chỉ: Phường Hà Khẩu - TP Hạ Long - Quảng Ninh
Đường dây nóng: 0981197119 - Điện thoại:0203.3846768 - Email: kiemlamvung1@gmail.com
Thiết kế website bởi: Tech14.vn