Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu (XK) đồ gỗ và lâm sản lần đầu tiên cán mốc 8 tỷ USD. Năm 2018, mục tiêu XK đồ gỗ và lâm sản lên tới 9 tỷ USD. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về hướng phát triển của ngành lâm nghiệp năm 2018 và những năm tiếp theo.
Phóng viên (PV): Thưa ông, năm 2018, ngành lâm nghiệp đề ra mục tiêu xuất khẩu tới 9 tỷ USD liệu có khả thi và giải pháp nào để đạt mục tiêu này?
Ông Nguyễn Quốc Trị: Theo tôi, con số mà ngành lâm nghiệp đề ra là hoàn toàn có cơ sở. Bởi chỉ mới qua hai tháng đầu năm 2018, chúng ta đã XK tăng 317 triệu USD so với cùng kỳ năm 2017. Tổng kim ngạch XK sản phẩm gỗ và lâm sản hai tháng đầu năm 2018 đạt 1,429 tỷ USD (hai tháng đầu năm 2017 là 1,112 tỷ USD). Tôi tin rằng, chúng ta sẽ hoàn thành mục tiêu này. Để đạt mục tiêu này trong năm 2018 cũng như phát triển ngành lâm nghiệp trong các năm tiếp theo, chúng tôi đã đề ra một số nhóm giải pháp, cụ thể là:
Thứ nhất, nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách sẽ hoàn thiện xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật (4 nghị định, 7 thông tư) hướng dẫn Luật Lâm nghiệp năm 2017. Cùng với đó, một số cơ chế, chính sách sẽ kiến nghị để sửa đổi.
Thứ hai, nhóm giải pháp phát triển nguồn nguyên liệu. Để đạt kim ngạch XK đồ gỗ và lâm sản 9 tỷ USD cần khoảng 34 triệu mét khối gỗ nguyên liệu, gồm: Gỗ khai thác rừng trồng tập trung khoảng 18-19 triệu mét khối, gỗ nhập khẩu khoảng 9 triệu mét khối; còn lại là gỗ cao su và gỗ rừng trồng phân tán 6 triệu mét khối. Đồng thời thúc đẩy, khuyến khích thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, từng bước cung cấp gỗ nguyên liệu có chứng chỉ cho hoạt động sản xuất, chế biến sản phẩm gỗ cho XK; nhập khẩu gỗ nguyên liệu có nguồn gốc hợp pháp.
Thứ ba, nhóm giải pháp về chống gian lận thương mại. Hiện chính sách thuế của chúng ta rất thông thoáng: Nhập khẩu gỗ nguyên liệu là 0%, XK gỗ thô, gỗ xẻ là 5-25% nhằm bảo đảm nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến trong nước. Tuy vậy, một số doanh nghiệp (DN) làm ăn không chân chính đã hạ giá XK một số mặt hàng gỗ tròn, gỗ xẻ để nộp thuế ít đi. Tổng cục Lâm nghiệp đề nghị thực hiện việc chống gian lận giá XK theo quy định tại Nghị định số 10/2018-NĐ/CP ngày 15-1-2018 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương.
Thứ tư, về thị trường, giữ vững và phát triển các thị trường truyền thống XK đồ gỗ: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Đồng thời sẽ thúc đẩy nhanh ký kết Hiệp định Đối tác Tự nguyện về Tăng cường thực thi Luật lâm nghiệp, Quản trị rừng và Buôn bán gỗ với EU (Hiệp định VPA/FLEGT), ký kết hiệp định song phương với Nga, Úc, Hàn Quốc để mở rộng thị trường XK gỗ và đồ gỗ Việt Nam.
Thứ năm, nhóm giải pháp về tăng cường truyền thông, thông tin cơ chế chính sách của các nước để DN biết thực hiện, đồng thời tăng cường hỗ trợ DN quảng bá sản phẩm.
PV: Có ý kiến cho rằng, sản xuất, chế biến sản phẩm gỗ mới chỉ tập trung đến XK còn thị trường trong nước vẫn chưa được các DN chú trọng, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Nguyễn Quốc Trị: Đối với tiêu thụ nội địa, vì là những hàng thủ công mỹ nghệ, các cơ sở sản xuất trong nước ở các làng nghề nên việc thống kê chưa được đầy đủ, kịp thời. Qua nắm bắt, chúng tôi ước tiêu thụ nội địa gỗ và sản phẩm đồ gỗ năm 2017 vào khoảng 2,8 tỷ USD và dự báo thị trường nội địa còn tiếp tục tăng trong thời gian tới lên khoảng 3-3,5 tỷ USD/năm. Chúng ta coi trọng XK nhưng không xem nhẹ thị trường nội địa. Chúng ta sẽ tăng cường tuyên truyền để người tiêu dùng sử dụng gỗ rừng trồng, đây cũng là giải pháp thúc đẩy phát triển ngành và giảm áp lực đến rừng tự nhiên.
PV: Sản xuất, chế biến đồ gỗ phát triển như hiện nay thì vai trò nguồn nguyên liệu rất quan trọng. Ngành lâm nghiệp sẽ có giải pháp nào để phát triển vùng nguyên liệu gỗ bền vững, thưa ông?
Ông Nguyễn Quốc Trị: Hiện nay, nguồn nguyên liệu cho chế biến gỗ được sử dụng từ nguồn khai thác gỗ rừng trồng trong nước là chính (vì đã đóng cửa rừng tự nhiên không khai thác). Vì vậy, để bảo đảm nguồn cung nguyên liệu trong nước, đầu tiên phải kịp thời trồng lại rừng sau khai thác. Đối với diện tích đất sản xuất chưa có rừng cần đẩy nhanh việc giao đất để phát triển trồng rừng. Nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, đẩy mạnh trồng rừng cung cấp gỗ lớn đã được xác định trong Đề án Tái cơ cấu ngành lâm nghiệp. Đồng thời chúng tôi sẽ là “cầu nối” để người trồng rừng và DN xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Nguyễn Kiểm, Báo Quân đội nhân dân
CHI CỤC KIỂM LÂM VÙNG 1
Địa chỉ: Phường Hà Khẩu - TP Hạ Long - Quảng Ninh
Đường dây nóng: 0981197119 - Điện thoại:0203.3846768 - Email: kiemlamvung1@gmail.com
Thiết kế website bởi: Tech14.vn